CHÚC MỪNG THÀNH TÍCH VƯỢT TRỘI CỦA HỌC SINH JIS TRONG KỲ THI CAMBRIDGE IGCSE 2024
13/08/2024Tính đến nay cô Ueda Kimiko (UK) đã gắn bó với JIS được 5 năm và là một trong những giáo viên nhận được nhiều tình cảm yêu quý từ học trò và đồng nghiệp. Trước khi giảng dạy tại JIS, cô Ueda đã từng giảng dạy ở một số trường Quốc tế ở Châu Á như Indonesia, Guam, và Singapore. Nhân Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11, JIS Media (JS) đã có buổi trò chuyện và lắng nghe những chia sẻ của cô về công việc dạy học tại Việt Nam.
JS: Trong thời gian giảng dạy tại JIS, cô hãy chia sẻ về một kỉ niệm mà mình luôn ghi nhớ.
UK: Đó là kỉ niệm của 3 năm về trước, khi tôi cùng với các con học sinh khối 6 (nay là khối 9) có chuyến du lịch học tập tới Nhật trong 1 tuần. Đây là lần đầu tiên các con học sinh của JIS đến Nhật để trải nghiệm việc học tập tại một trường Tiểu học Nhật Bản. Điều tôi ấn tượng và bất ngờ đó là chỉ sau một ngày tại đây, từ những học sinh còn nhút nhát, ngại nói tiếng Nhật thì các con học sinh đã tự tin nói và trò chuyện cùng các bạn. Trong chuyến đi này, phụ huynh không đi cùng các con, do vậy tôi đã thay bố mẹ chăm lo cho các con học sinh và nhờ đó hiểu hơn từng học sinh của mình và có nhiều kỉ niệm đẹp.
JS: Lý do gì khiến cô lựa chọn JIS?
UK: Khi tìm hiểu về các trường học ở Việt Nam và biết rằng JIS là trường học giáo dục học sinh theo phương pháp giáo dục Nhật Bản thì tôi cảm thấy có một sự gần gũi. Khi nghĩ đến việc các con học sinh sẽ nói chuyện với tôi bằng tiếng Nhật, tôi cảm thấy rất vui. Tôi cũng hy vọng, thông qua giáo dục mối quan hệ giữa hai nước Việt Nam - Nhật Bản ngày càng khăng khít hơn, và sẽ có nhiều người biết đến văn hóa Nhật Bản hơn nữa.
JS: Theo cô, điểm khác biệt trong giáo dục Nhật Bản và Việt Nam là gì?
UK: Ở Nhật Bản, người lớn rất chú trọng tới việc xây dựng những kĩ năng tự lập cho trẻ ngay từ khi còn nhỏ. Bởi Nhật Bản có rất nhiều thiên tai, do đó trẻ cần phải biết cách tự bảo vệ, chăm sóc mình trong những tình huống khó khăn mà không có người lơn giúp đỡ. Ở trường học, khi tổ chức các hoạt động, sự kiện, thay vì giáo viên chuẩn bị sẵn tất cả mọi thứ để trẻ tham gia thì giáo viên sẽ yêu cầu các học sinh cùng thực hiện. Ví dụ như khi tổ chức Đại hội thể thao - một trong những sự kiện thường niên của Trường Quốc tế Nhật Bản, các con học sinh sẽ được tham gia cùng các thầy cô trong suốt quá trình chuẩn bị, sắp xếp đồ dugf cho sự kiện. Với những học sinh lớn hơn, thầy cô có thể giao phó hoàn toàn để học sinh tự thực hiện. Lúc này, giáo viên đóng vai trò là người giám sát, chỉ dẫn học sinh và đảm bảo quá trình thực hiện được diễn ra an toàn. Khi đến Việt Nam, tôi thấy các thầy cô thường có tâm lý bao bọc học sinh, thường chuẩn bị sẵn mọi thứ để học sinh tham gia.
JS: Cô hãy chia sẻ vài nét về triết lý giáo dục mà cô theo đuổi
UK: Tôi cho rằng điều quan trọng giáo dục học sinh, cụ thể là trẻ nhỏ đó là xây dựng và duy trì tính tò mò trong trẻ, từ đó trẻ luôn hào hứng tìm hiểu thế giới xung quanh. Khi trẻ tìm thấy niềm hứng thú trong việc tìm hiểu này thì trẻ sẽ tự thúc đẩy bản thân học hỏi và khám phá kiến thức một cách chủ động.
JS: Vì sao cô biết đến Việt Nam? Cô hãy chia sẻ một vài trải nghiệm khi sống và làm việc tại Việt Nam.
UK: Cách đây 40 năm, tôi biết đến Việt Nam khi tình cờ đọc cuốn truyện Tấm Cám. Khi đó, tôi chỉ là một cô bé nên khi đọc có thể chưa hiểu hết ý nghĩa nội dung câu chuyện, nhưng luôn ghi nhớ những hình ảnh đẹp đẽ và giàu tính thẩm mỹ trong câu chuyện, như là hình ảnh Tấm, Cám đi bắt tôm bắt tép ở một đầm sen rất đẹp, hay đôi hài Tấm đi được thêu rất tỉ mỉ, công phu. Khi đó tôi nghĩ rằng Việt Nam là một đất nước có phong cảnh đẹp và đồ dùng được trang trí tinh tế. Khi lớn hơn, tôi biết thêm về Việt Nam thông qua các món ăn được bán tại Nhật. Một trong những món ăn Việt Nam tôi yêu thích đó là Phở. Ở Nhật, mọi người không cho chanh vào Phở, nhưng khi sang Việt Nam, tôi thấy mọi người cho một chút chanh vào Phở. Tôi đã thử và thấy rất ngon miệng.
JS: Khi việc học tập trực tuyến trở thành điều bắt buộc và học sinh thường bị phân tán khi học qua máy tính. Cô đã làm gì để khắc phục điều này?
UK: Cũng như nhiều giáo viên khác, khi dạy học trực tuyến tôi cũng sử dụng các công cụ hỗ trợ như powerpoint, sử dụng nhiều hình ảnh minh họa để giúp học sinh dễ hiểu. Khi dạy trực tuyến, học sinh dễ bị phân tán bởi những yếu tố xung quanh và việc học qua máy tính nhiều giờ cũng khiến học sinh mệt mỏi. Do vậy, khi bắt đầu tiết học tôi sẽ cho học sinh của mình vận động một chút để làm nóng cơ thể và tập một số bài tập tay khá phổ biến ở Nhật để thu hút học sinh vào tiết dạy. Điều này rất hiệu quả với những tiết học đầu giờ sáng.
JS: Nhân ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11, cô có thông điệp gì muốn gửi gắm cho các con học sinh.
UK: Thông điệp của tôi là: “Nhất định phải đọc sách, thật nhiều sách các con nhé”. Ở Việt Nam, người lớn thường định hướng rất rõ cho trẻ là nên đọc cuốn sách nào. Còn ở Nhật, yếu tố quan trọng trong việc đọc sách đó là đứa trẻ cảm thấy hứng thú với việc đọc sách, cảm thấy cuốn sách mình đọc thú vị và tìm thấy niềm vui trong đó. Các phụ huynh Việt Nam cũng thường hỏi tôi là con học đọc cuốn này có tốt không thì tôi sẽ trả lời rằng: "Con đọc cuốn sách nào cũng được, miễn là con cảm thấy cuốn sách đó thú vị". Khi đọc một cuốn sách trẻ thích, nó sẽ khơi ngợi trẻ tìm tòi, từ đó phát triển những khía cạnh mà trẻ hay bố mẹ không thể ngờ tới.
TRƯỜNG QUỐC TẾ NHẬT BẢN