5 ĐỊNH NGHĨA VỀ GIÁ TRỊ & TIÊU CHÍ HOẠT ĐỘNG TẠI JIS
01/10/2024Với 18 năm kinh nghiệm giảng dạy học sinh Tiểu học và luôn tâm niệm rằng giáo dục trẻ nhỏ cần xuất phát từ tình yêu thương, cô giáo Đào Thị Hằng đã có buổi chia sẻ về công việc dạy học của mình. Kính mời Quý phụ huynh theo dõi bài phỏng vấn dưới đây.
Phóng viên (PV): Xin chào chị Hằng! Được biết đến là một trong những giáo viên tiêu biểu của JIS và được nhiều học sinh yêu quý, xin chị hãy chia sẻ về triết lý giáo dục mà mình tâm đắc.
Cô Đào Thị Hằng (ĐTH): Khi còn ngồi trên ghế giảng đường đại học, thầy của tôi luôn dạy những "thầy cô giáo tương lại" rằng: "Mỗi học sinh là một vài phần trăm nhỏ bé trong cả lớp học nhưng lại là 100% của bố mẹ chúng. Do vậy, khi dạy từng đứa trẻ, thầy cô phải hết lòng chỉ bảo".
Một triết lý khác mà tôi cũng thường nhắc mình khi dạy các con học sinh nhỏ tuổi: "Gieo cảm xúc, thúc đẩy vươn lên, đôi bên cùng học". Với con trẻ thì việc học không hề dễ dàng, vậy nên thầy cô cần gieo trồng những hạt giống của cảm xúc trước để trẻ có niềm yêu thích với việc học, rồi từ đó trẻ sẽ tự thúc đẩy mình cố gắng. Còn về vế "đôi bên cùng học" tức là trẻ học từ thầy cô, đồng thời trong quá trình giảng dạy, thầy cô cũng học lại từ trẻ. Trong quá trình học hỏi hai chiều này, thầy cô không chỉ làm giàu kinh nghiệm của mình mà còn tìm ra những phương pháp giảng dạy phù hợp với từng học sinh, thay vì rập khuôn theo khung chương trình sẵn có. Do đó, với mỗi học sinh khác nhau, thầy cô cần có phương pháp khác nhau. Để làm được điều này, thầy cô cần hiểu tâm lý học sinh theo độ tuổi; hiểu tính cách; nắm được sở trường, sở đoản; đồng thời phải dám thay đổi và có nền tảng chuyên môn vững vàng để đưa ra lộ trình học tập phù hợp.
PV: Trong thời gian giảng dạy tại JIS, đâu là kỉ niệm mà chị nhớ nhất?
ĐTH: Một trong những kỉ niệm đáng nhớ của tôi tại JIS đó là kỉ niệm về một cậu học sinh lớp 2 nhập học vào năm ngoái. Cậu bé được bố mẹ trao gửi cho JIS với niềm mong mỏi con mình sẽ được học tập trong môi trường tốt nhất. Do sinh sống ở một môi trường khác từ bé nên việc chuyển tới học tại một trường Quốc tế khiến cho bạn học sinh này gặp rất nhiều khó khăn để tiếp thu và theo kịp bạn bè. Hiểu được những khó khăn của con, tôi và các thầy cô khác đã trao đổi và đưa ra cách thức giảng dạy sao cho phù hợp với năng lực của học sinh, đồng thời dành thêm thời gian hỗ trợ. Thật bất ngờ, cuối năm học đó con đạt thành tích học tập ngoài mong đợi của thầy cô và đứng đầu lớp.
PV: Chị hãy chia sẻ về lý do chị gắn bó với JIS ?
ĐTH: Ngày đầu tiên đến thăm trường, khi nhìn thấy câu khẩu hiệu của JIS "Thông minh học giỏi là cần thiết, nhưng quan trọng hơn là có nhân cách tốt", tôi thấy rằng quan điểm giáo dục của nhà trường cũng là quan điểm giáo dục của tôi. Khi làm việc ở đây, tôi nhận ra rằng các đồng nghiệp xung quanh mình đều có chung một quan điểm giáo dục như vậy. Lấy giáo dục nhân cách làm gốc rễ, rồi từ đó truyền dạy cho trẻ kiến thức, kĩ năng. Đó chính là lý do khiến tôi gắn bó lâu dài với JIS.
PV: Với hình thức giảng dạy trực tuyến, chị đã thích ứng như thế nào? Chị thấy học sinh thu nhận được gì khi học tập theo phương thức mới này?
ĐTH: Có thể nói Trường Quốc tế Nhật Bản luôn đi trước đón đầu xu hướng nên đã chủ động đào tạo và hỗ trợ giáo viên trong việc áp dụng công nghệ vào dạy học. Cá nhân tôi luôn tìm hiểu những công cụ mới, hỗ trợ dạy học trực tuyến để áp dụng vào công việc giảng dạy thường ngày. Tôi cũng thường thiết kế các trò chơi online để các con vừa học vừa chơi, nhằm duy trì sự húng thú học tập ở trẻ.
Sau một thời gian dạy và học trực tuyến, tôi khá bất ngờ khi thấy rằng các học sinh Tiểu học có thể thích ứng khá nhanh và thực hiện tốt những kĩ năng mới mà so với việc học tập thông thường sẽ bị hạn chế. Cụ thể là các học sinh khối 2, 3 của tôi đã có thể thiết kế trò chơi trực tuyến về chủ đề học tập, thiết kế poster điện tử, làm thiệp điện tử chúc mừng sinh nhật bạn, tự làm clip theo chủ đề giáo viên yêu cầu và khó hơn là chia nhóm học tập, tổ chức họp nhóm online để hoàn thành dự án học tập. Việc học trực tuyến quả thật có nhiều khó khăn nhưng lại là cơ hội để học sinh phát triển những kĩ năng mới.
PV: Những khi không có tiết dạy, chị thường làm gì?
ĐTH: Những lúc rảnh rỗi, tôi thường đọc sách. Thay vì đọc những cuốn mình thích, tôi sẽ lựa chọn sách, truyện thiếu nhi. Việc đọc sách, truyện thiếu nhi giúp tôi hiểu hơn sở thích, tâm lý trẻ, từ đó khiến cuộc trò chuyện của tôi với trẻ trở nên gần gũi và việc dạy dỗ, uốn nắn trẻ sau này trở nên nhẹ nhàng, tự nhiên hơn.
Bên cạnh đọc sách, tôi cũng duy trì việc tập luyện để nâng cao sức khỏe. Hàng tuần, tôi sẽ dành ra vài buổi để bơi hoặc tập yoga. Việc bơi lội giúp tôi duy trì thể lực và vóc dáng cân đối. Tập yoga không chỉ giúp duy trì sự dẻo dai mà còn giúp tôi cân bằng cảm xúc, bởi việc dạy trẻ nhỏ đôi lúc căng thẳng và có nhiều tính huống phải xử lý. Do đó thầy cô cần phải duy trì tâm thế điềm tĩnh để đưa ra giải pháp phù hợp.
PV: Xin cảm ơn chị vì những chia sẻ chân thành. Chúc chị thật nhiều sức khỏe và thành công trong sự nghiệp trồng người!
TRƯỜNG QUỐC TẾ NHẬT BẢN