5 ĐỊNH NGHĨA VỀ GIÁ TRỊ & TIÊU CHÍ HOẠT ĐỘNG TẠI JIS
01/10/2024“Không đối mặt với thử thách, chúng ta sẽ không thất bại. Tuy nhiên, không chấp chận thử thách cũng đồng nghĩa với việc: Thành công không bao giờ đến.” – Đó là câu trả lời của Quán quân Cuộc thi hùng biện Hosei lần thứ 7 – Hoàng Minh Tuấn, học sinh lớp J11-1 trong phần thi Hỏi đáp.
Vượt qua bao thử thách từ thời điểm biết tới cuộc thi Hosei, đối mặt với một chủ đề không hề dễ dàng: "Chúng ta thời hậu Covid", Minh Tuấn J11-1 và An Khanh J10-1 Trường Quốc tế Nhật Bản đã bước vào Vòng thi chung kết toàn quốc vào ngày 27/11 vừa qua.
Cùng với các thí sinh xuất sắc tới từ mọi miền Tổ quốc, Minh Tuấn và An Khanh đã có phần hùng biện thuyết phục - cả về nội dung lẫn cách trình bày, đặc biệt là ánh mắt và ngôn ngữ cơ thể. Các em đã khiến cho bầu không khí của cuộc thi trở nên hấp dẫn không kém gì các năm trước.
Vậy, phần thi của Minh Tuấn và An Khanh có gì đặc biệt?
Đầu tiên, đó là nội dung bài hùng biện. Bằng năng lực của bản thân cũng như sự rèn luyện mỗi ngày tại trường, các con đã có 2 bài viết thực sự sâu sắc, chân thật. Tại JIS, tất cả các học sinh được thầy cô người Nhật hướng dẫn viết các bài sakubun ngắn từ khi bước vào tiểu học. Không có bài văn mẫu, không có thầy cô đọc - trò chép , các con hoàn toàn viết bằng năng lực sáng tạo và trải nghiệm của bản thân. Sau đó, thầy cô sẽ cùng trao đổi với các con để bài viết thêm trau chuốt mà vẫn giữ "tinh thần riêng của mỗi bạn - tinh thần JIS". Điều này sẽ trở thành hành trang quý giá trong Kỳ thi Đại học dành cho học sinh nước ngoài - EJU mà các con hướng tới.
Thứ hai, đó là phát âm. Đây là sự khác biệt lớn, góp phần tạo nên chiến thắng của Minh Tuấn và An Khanh. Nhờ “tắm” trong môi trường tiếng Nhật mỗi ngày, không chỉ trong tiết Tiếng Nhật mà còn trong tiết Toán, Khoa học, Đạo đức, Âm nhạc,...giúp các con có phát âm tự nhiên, không có sự chênh lệch với học sinh Nhật Bản. Với người học ngoại ngữ, đây là tài sản to lớn để các con sớm hòa nhập với môi trường mới và được đánh giá cao khi sang học chuyển tiếp lên bậc Đại học tại Nhật.
Thứ ba, đó là ngôn ngữ cơ thể. Các con đã lĩnh hội khả năng sử dụng ngôn ngữ cơ thể nhiều nhất là từ thầy cô Nhật Bản - những "nghệ sĩ tài ba" về năng lực truyền đạt thông tin không chỉ qua ngôn ngữ. Các thầy cô luôn dạy các con chú ý sử dụng ánh mắt, sử dụng tay,chân,...khi muốn đối phương lắng nghe và thấu hiểu mình.
Thứ tư, đó là năng lực trả lời Hỏi - Đáp. Không chỉ cần tới trí thông minh, năng lực ngôn ngữ; mà quan trọng hơn cả là "kỹ năng mềm" - kỹ năng mà các con được trang bị qua từng tiết học.
Chúng ta thử xem Minh Tuấn và An Khanh đã xuất sắc đến thế nào trong phần thi Hỏi – Đáp nhé!
Đầu tiên là cô bé ngoan ngoãn, luôn nỗ lực hết mình: Nguyễn Thị An Khanh, J10-1. Bài hùng biện của con đề cập tới công lao to lớn của đội ngũ y bác sĩ - những người hy sinh cả bản thân mình vì bệnh nhân; cũng như gợi mở để chúng ta cùng thức tỉnh về sự tham lam của con người, sự huỷ hoại đối với môi trường sống và nhận ra giá trị đích thực của cuộc sống, của những người thực sự quan trọng trong cuộc đời mình.
Q: Chào An Khanh, sau này lớn lên con muốn che chở, giúp đỡ ai?
A: Con xin cám ơn câu hỏi của cô ạ. Sau này lớn lên, con muốn trở thành người có ích, trở thành người có thể hỗ trợ, giúp đỡ những người kém may mắn hơn mình. Con rất hạnh phúc được sống trong vòng tay ba mẹ, con được đi học ở một ngôi trường tốt, con được ăn ngon, được mặc đẹp. Nhưng trên thế giới này còn rất nhiều người khó khăn, nghèo khổ. Ước muốn của con chính là được cống hiến, được sống vì những người khó khăn như vậy.
Q: Sau này con có muốn làm việc trong lĩnh vực y tế không?
A: Khi học lớp 9, con đã đạt thành tích rất cao trong môn Sinh học. Và con đã nghĩ mình có thể tiếp tục nỗ lực để trở thành bác sĩ. Nhưng khi tận mắt chứng kiến sự hy sinh, sự "vì bệnh nhân quên mình" của đội ngũ y bác sĩ trong đại dịch vừa qua, con nhận ra có lẽ mình chưa đủ dũng cảm và vĩ đại để làm được công việc khó khăn nhưng đầy thiêng liêng đó. Vậy nên con đã tạm gác lại ước mơ đó của mình ạ.
Tiếp theo là cậu học trò năng động, lễ phép: Hoàng Minh Tuấn, J11-1. Con chia sẻ về khả năng loại bỏ tiêu cực, luôn vươn lên phía trước giống như loài hoa hướng dương luôn tìm đến phía có ánh nắng mặt trời. Con làm được điều đó là nhờ vào một lần xem kênh Youtube của Jason Redman - một tác giả nổi tiếng người Mỹ, người đã "vượt qua số phận, vượt lên nghịch cảnh" giành lấy sự sống, sự tự do và sự thành công. Jason Redman vốn là một Trung uý hải quân Mỹ và đã bị thương nặng tại Iraq vào năm 2007.
Q: Nếu con rơi vào hoàn cảnh giống như Jason Redman, con nghĩ mình có thể làm được như tác giả không?
A: Con cảm ơn câu hỏi của cô ạ. Con nghĩ Jason Redman là một người rất tuyệt vời, một người có trái tim mạnh mẽ, rắn giỏi. Con mong muốn mình sẽ trở thành một người như tác giả. Nếu con rơi vào nghịch cảnh như Jason Redman, con cũng sẽ quyết tâm không bỏ cuộc tới cùng, nhưng có lẽ con vẫn chưa đủ kiên cường, chưa đủ vĩ đại để làm được như ông.
Q: Có rất nhiều người không thể ra ngoài (do giãn cách xã hội) và họ đâm ra chán nản, không muốn làm gì cả. Con muốn truyền tải điều gì tới những người như vậy không?
A: Dạ, con nghĩ họ đang cảm thấy rất khó khăn trong cuộc sống. Con muốn nói với mọi người rằng: Đừng ngại thử thách chính mình! Dù thử thách sẽ đồng nghĩa với việc đối mặt với thất bại. Nhưng không chấp nhận thử thách sẽ không bao giờ có cơ hội đạt được thành công. Hãy thử thách bản thân, hãy vượt lên khó khăn, nghịch cảnh bằng sức mạnh bản thân.
Chúc mừng thành tích của Hoàng Minh Tuấn và Nguyễn Thị An Khanh!
Trường Quốc tế Nhật Bản