5 ĐỊNH NGHĨA VỀ GIÁ TRỊ & TIÊU CHÍ HOẠT ĐỘNG TẠI JIS
01/10/2024Những tính cách nổi trội của người Nhật mà chúng ta đều thấy là sự trung thực, khiêm nhường, tế nhị, tinh thần làm việc tập thể, ý thức cộng đồng, tôn trọng mọi người xung quanh, cực kỳ khuôn phép, thận trọng và sự hoàn hảo trong công việc. Trẻ em Nhật được giáo dục về đạo đức ngay từ khi còn nhỏ ở trong gia đình. Cha mẹ người Nhật cũng giống như cha mẹ người Mỹ quan tâm môi trường nuôi dạy con; không bao giờ hình thành cho trẻ một thói quen xấu; tôn trọng trẻ em, luôn nói sự thật, không nói dối với người khác trước mặt con trẻ; giáo dục con tự tin, tự lập; luôn giữ vững nguyên tắc trong nuôi dạy con… Tuy nhiên sự khác biệt khá cơ bản của cha mẹ người Nhật với cha mẹ người Mỹ là: cha mẹ người Mỹ luôn rất nghiêm khắc, thậm chí có người còn cho là hơi tàn nhẫn với con cái, quan tâm nhiều đến vai trò cá nhân. Ngược lại cha mẹ người Nhật lại rất tình cảm với con cái, luôn đầy ắp tình yêu thương, rất quan tâm đến ý thức tập thể và cộng đồng, ngoài ra họ rất quan tâm đến chế độ ăn uống của con cái. Ngày nay cha mẹ người Nhật rất quan tâm đến giáo dục sớm cho trẻ và phương pháp giáo dục từ 0-6 tuổi của Shichida đang được ưa chuộng và phổ biến ở Nhật. Đó là phương pháp giáo dục nuôi dưỡng tâm hồn, nuôi dưỡng tình yêu thương đến mọi người, nuôi dưỡng ước mơ, ý chí. Lấy “trí dục”, “đức dục”, “thể dục’ và “thực dục” làm cơ sở, hướng đến việc giáo dục toàn bộ nhân cách và phát triển não phải. Shichida cho rằng, việc giáo dục phát triển não phải không chỉ là việc tập trung vào thành tích học tập của trẻ, mà một trong những kết quả thần kỳ của nó là tất cả trẻ em được phát triển tâm trí một cách nhẹ nhàng và hài hòa, trẻ sẽ biểu lộ sự nhạy cảm đa dạng, về lòng nhân đạo, trí tưởng tượng và sự sáng tạo. Nó nuôi dưỡng tình yêu, tạo sự hiệp nhất của các giác quan (thính giác, thị giác, xúc giác ….) và điều quan trọng là sự hợp tác tuyệt vời giữa bố mẹ và các con. Giáo dục sớm và giáo dục phát triển não phải sẽ định hình tương lai của thế giới, bởi vì một trong những mục tiêu của giáo dục là để tạo ra một thế giới tốt đẹp hơn. Đây là kết quả tự nhiên của giáo dục phát triển não phải, phương pháp học tập dựa trên tình yêu và sự hợp tác. Shichida là người khởi xướng phương cách giáo dục cân bằng giữa não phải và não trái, hiện nay phương pháp giáo dục này đang rất được thịnh hành tại Nhật Bản.
- Những điều cha mẹ có thể làm để con yêu trở nên thông minh.
- Trò chuyệ̣n với trẻ từ khi mới sinh, các mẹ phải chăm nói chuyện với em bé từ khi lọt lòng. Khi cho em bé bú, khi thay tã lót, khi tắm cho con... hãy nhẹ nhàng nói chuyện với bé. Hãy đọc thơ, hát cho em bé nghe bằng giọng thực của người mẹ, điều này giúp việc nuôi dạy bé thông minh trở nên đơn giản hơn rất nhiều. Cần tránh nói nhịu với trẻ, hãy nói với trẻ bằng giọng trìu mến nhưng chuẩn mực.
- Âm nhạc cũng rất quan trọng, hàng ngày nên cho bé nghe những bản nhạc có chọn lọc từ 2-3 lần, mỗi lần chỉ nghe từ 15-30 phút. Nên để bé nghe những bản nhạc nhẹ nhàng với âm lượng không quá lớn. Khi cho bé nghe nhạc, hãy để bé đứng trên đầu gối mẹ, cho em bé đu đưa từ trước ra sau theo nhịp của bản nhạc.
- Tuyệt đối không cho bé xem tivi khi bé chưa tròn 3 tuổi (theo Ibuka Masaru nên cho trẻ nghe chương trình thời sự vì với các nước đây là chương trình phát tiếng mẹ đẻ chuẩn nhất. Khi đã tạo vết hằn chuẩn về ngôn ngữ trong não rồi, trẻ sẽ nói chuẩn khi lớn lên. Có thể cho trẻ xem chương trình quảng cáo trên tivi).
- Giúp trẻ tập trung hơn nhờ màu sắc, nên sớm cho bé nhìn hình kẻ caro ô đen trắng để tăng khả năng tập trung của bé. Màu sắc các em bé sơ sinh thích không phải xanh hay đỏ, mà chính là hai màu cơ bản trắng và đen. Nhưng các mẹ nên nhớ, chỉ cho con nhìn trong khoảng 3 phút thôi nhé. Làm như vậy liên tục trong 1 tuần, khả năng tập trung của bé từ chưa đầy 5 giây sẽ tăng lên 60-90 giây.
- Bú sữa mẹ, đây là bài học đầu tiên bằng xúc giác của em bé. Mẹ nên cố tình để đầu ti chạm vào những vị trí khác môi, miệng bé như hàm trên, hàm dưới, cằm, má phải, má trái. Làm vậy để em bé nhanh chóng học được cách điều chỉnh không gian, cảm nhận được vị trí trên - dưới, phải - trái. Không chỉ bằng đầu ti mẹ như trên, còn có thể dùng ngón tay, chiếc khăn xô, hay cái ống hút cọ nhè nhẹ hàm trên, hàm dưới của bé. Bé sẽ biết được cảm giác khi được liếm, cắn vào những vật này, và sẽ không cắn mút những thứ này như khi mút ti mẹ.
- Để bé phát huy được vị giác, hãy dùng khăn xô thấm nước nguội, nước lạnh, nước có vị ngọt, vị mặn, chua... từng vị một cho bé nếm. Đây là cách kích hoạt vị giác rất tốt. Bằng cách này, bé sẽ ăn uống được đa dạng hơn,
- Trẻ có khả năng học được rất nhiều thứ ngay từ khi mới lọt lòng, đừng bao giờ cho rằng bé chưa hiểu. Hãy luôn nói, giảng giải cho bé theo nguyên tắc làm gì nói vậy, mời bạn tham khảo thêm bài “Giáo dục sớm” “Đợi đến Mẫu giáo thì đã muộn” và phương pháp Shichida đang được thinh hành ở Nhật Bản..
- Những điều cha mẹ có thể làm để con yêu trở nên tự tin, vui vẻ
- Trẻ nhỏ cần được ôm ấp, vỗ về. Việc ôm ấp, vỗ về trẻ ngay từ khi còn bé là rất quan trọng, trẻ sẽ luôn cảm nhận được mẹ nâng niu. Nhiều người cho rằng “không được bế trẻ nhiều, làm cho trẻ quen hơi, hay đòi bế”, nhưng đó là quan niệm sai lầm. Việc trẻ được ôm ấp, bồng bế nhiều hoàn toàn không xấu chút nào cả.
- Trẻ sẽ khóc khi làm nũng. Trẻ khóc không chỉ vì những nhu cầu mang tính sinh lý không được thỏa mãn, mà còn là dấu hiệu của những trạng thái tâm lý như lo lắng, sợ sệt, buồn chán. Lúc này bạn nên bế trẻ vào lòng, đó chính là hành động hiệu quả nhất mang lại cảm giác yên tâm cho trẻ. Việc mặc kệ trẻ khóc sẽ khiến trẻ sinh ra cáu giận dữ dội, tiếng khóc của chúng sẽ trở nên gay gắt hơn. Khi nghiên cứ vấn đề ngược đãi ở trẻ, người ta biết rằng mức độ tức giận ở trẻ bị bỏ mặc không kém gì mức độ tức giận ở trẻ bị đánh đập.
- Thay vì lấy cáu giận trấn áp cáu giận, hãy bế trẻ lên, trẻ sẽ nhanh nín khóc hơn. Khi trẻ mới khóc, mới chớm cáu giận, chỉ là ở giai đoạn phát tín hiệu, nếu được bế lên sẽ hết khóc. Nhưng nếu khóc mãi mà vẫn không được bế, đến lúc nào đó trẻ sẽ tự nín, nhưng lúc đó không phải là trẻ trở nên ngoan ngoãn, mà tâm hồn trẻ bắt đầu bị tổn thương, nếu lặp lại nhiều lần trẻ sẽ chuyển sang trạng thái trơ lì cảm xúc, sẽ có những biểu hiện tâm lý bất thường.
- Lắng nghe con. Chỉ cần chăm chú lắng nghe con bạn nói, bạn đã truyền thông điệp: “Con vô cùng quan trọng đối với mẹ”. Thời gian của mẹ nói không nên dài hơn thời gian của con nói và khi nói chuyện cần thể hiện thái độ đồng tình và hứng khởi và rất cần thiết giao lưu bằng mắt.
- Thay vì nói “cố gắng lên” ta hãy công nhận “con đang cố gắng rất nhiều!”. Ngay đối với người lớn chúng ta, hai câu nói trên đã cho chúng ta những cảm giác rất khác nhau, đối với trẻ có thể sẽ tạo ra cảm giác bất lực như, “Cố đến thể rồi, còn cố đến thế nào nữa mới được chứ”.
- Hãy nói “cảm ơn” thật nhiều. “Cảm ơn” là từ giao tiếp cơ bản trong mối quan hệ của con người. Đặc biệt đối với những trẻ em có mức độ đánh giá bản thân thấp thường hay nghĩ “Mình chẳng được cái tích sự gì”, “Mình chẳng có ích gì cả”. Được nghe “cám ơn”, chúng sẽ rất sung sướng lộ rõ niềm vui trên khuôn mặt. Dần dần mức độ tự tin của trẻ sẽ được nâng cao hơn và sự nỗ lực trong trẻ sẽ cao hơn. Ngay cả đối với trẻ trót làm điều gì sai, bạn vẫn nên tìm ra điểm tích cực của trẻ để nói câu “cảm ơn” hoặc lời động viên, đối với trẻ đánh giá bản thân thấp điều này có ý nghĩa rất quan trọng. Sự vui vẻ và tự tin trong trẻ sẽ giúp trẻ có thể huy động não bộ làm được nhiều việc mà chúng ta mong muốn. Để con bạn trở thành những người vui vẻ, lạc quan, trong sáng việc bạn nói nhiều lời cảm ơn với con là rất quan trọng.
- Tâm lí trẻ hình thành theo chu kì lặp đi lặp lại của hai trạng thái dựa dẫm và tự lập. Khi trẻ có cảm giác không yên tâm thì cần dựa dẫm và làm nũng; khi được dựa dẫm, nhận đủ cảm giác yên tâm thì trẻ lại xuất hiện trạng thái tâm lí “cảm giác mất tự do” và muốn tự lập, hai trạng thái này thay nhau xuất hiện rồi biến mất, hình thành nên tâm lí của trẻ. Các bậc cha mẹ hãy luôn có mặt kịp thời mỗi khi trẻ lo lắng tìm tới sự giúp đỡ của mình để xây dựng môi quan hệ tin cậy, điều đó rất có lợi cho tâm lý của trẻ trong quá trình hướng tới sự tự lập.
- Trẻ không làm nũng không có nghĩa là trẻ tự lập. Trẻ làm nũng đúng lúc, đúng mức mới là trẻ tự lập. Hãy tôn trọng sở thích cá nhân của trẻ, phải để trẻ chủ động trong việc “làm nũng” hay “tự lập” của mình. Việc tôn trọng sở thích cá nhân của trẻ sẽ tạo điều kiện cho trẻ lặp đi lặp lại chu trình “làm nũng” và “tự lập” là nền tảng để tạo ra lòng ham muốn và hướng đến sự tự lập, bởi vì đứa trẻ không làm nũng chưa hẳn là tự lập, đứa trẻ làm nũng đúng mức mới là tự lập.
- Để cho trẻ làm nũng triệt để đến 10 tuổi, trẻ sẽ thành con ngoan. Không chỉ với trẻ con, mà ngay cả với người lớn, việc được yêu chiều, làm nũng là hết sức cần thiết. Làm nũng là đòi hỏi yêu thương từ người khác, khi nhu cầu được đáp ứng, ta có cảm giác mình được yêu thương, mình xứng đáng được tồn tại trên cõi đời này. Từ đó lòng tự tin được nuôi dưỡng hàng ngày. Ngược lại khi trẻ muốn làm nũng mà không được, thậm chí bị cha mẹ mắng, sẽ bực bội, ấm ức cha mẹ và dẫn đến chúng sẽ nghĩ “mình chả được ai yêu chiều cả”. Dần dần trẻ sẽ mất niềm tin, tự đánh giá thấp bản thân, thậm chí đến lúc chán ghét bản thân mình và sẽ trở thành người sống khép kín, thơ ơ và buồn rầu, co mình trong vỏ ốc, dễ nổi khùng, cục tính, thích phá hoại và dễ đối đầu với người khác.
- “Nuông chiều” khác với “yêu chiều” thế nào? Vấn đề mấu chốt trong dạy con chính là sự phân biệt giữa khái niệm “nuông chiều” với khái niệm “yêu chiều”. “Nuông chiều” con là không tốt, không nên, bởi vì cha mẹ quá bao bọc con, chấp nhận mọi đòi hỏi của con, can thiệp quá nhiều hoặc chi phối trẻ theo sự áp đặt chủ quan của mình. “Yêu chiều” hay “cho phép làm nũng hợp lí” là điều tốt và cần thiết, đó là sự tôn trọng riêng tư và mong muốn cá nhân của trẻ.
- Khi thấy trẻ em dưới 10 tuổi ít làm nũng, cha mẹ nên tăng thời gian gần gũi con, ôm ấp, âu yếm con nhiều hơn. Tình yêu thương của mẹ và việc làm nũng của con có sức giải tỏa những bế tắc tâm lí, có tác dụng tương hỗ lẫn nhau, làm cho tình cảm giữa cha mẹ và con cái ngày một sâu đậm hơn. Ngay anh em trong nhà cùng một môi trường nuôi dưỡng, có trẻ làm nũng giỏi, có trẻ không biết làm nũng. Ở những trẻ không làm nũng, nếu bố mẹ không quan tâm sẽ lớn dần lên trong quan hệ mờ nhạt, lỏng lẻo, không biết chắc rằng cha mẹ có yêu mình hay không và không chắc về giá trị tồn tại của bản thân. Vì vậy nếu con mình dưới 10 tuổi lại ít khi làm nũng, các ông bố, bà mẹ cần hiểu rằng chúng đang chịu điều gì đó, hãy tăng thời gian tiếp xúc, gần gũi và âu yếm với trẻ.
- Với trẻ này ta có thể mắng, nhưng với trẻ khác ta lại không thể. Khi con trẻ làm những việc sai trái, các bậc cha mẹ phải dạy bảo nghiêm khắc là điều cần thiết. Tuy nhiên chúng ta cần phải biết rằng, có trẻ ta có thể mắng, có trẻ ta phải rất thận trọng khi mắng. “Týp” trẻ ta có thể mắng được bao gồm:
- Trẻ tương đối tự tin vào bản thân mình, dù có chuyện gì cũng nhìn nhận tích cực, hướng về phía trước, có trạng thái tinh thần ổn định. “Týp” trẻ này khi bị mắng chúng không cảm thấy quá nặng nề và kịp thời nhận ra lỗi và sửa sai.
- Trẻ bình thản, vô tư, không hay bận tâm, để ý. Cha mẹ có mắng cũng chỉ vào tai trái, ra tai phải, thậm chí còn cười toe toét làm cha mẹ dịu lại con giận dữ.
“Týp” trẻ các bậc cha mẹ phải thận trong khi mắng bao gồm:
- Trẻ hay nhạy cảm, nhút nhát, hay để tâm các chuyện vặt vãnh, khi bị nhắc nhở đã co mình lại không dám làm việc đó nữa.
- Trẻ bướng bỉnh, ương ngạnh, khó bảo thường càng nói càng không sửa chữa, thậm chí còn cãi thêm nữa. Thực ra “týp” trẻ này cũng rất mềm yếu và dễ bị tổn thương, khi bị mắng sẽ bị tổn thương gấp hai ba lần trẻ bình thường. Với “týp” trẻ này, cha mẹ không nên mắng mỏ mà nên hỏi han sự tình căn kẽ, sau đó mới đưa ra những lời răn dạy nhẹ nhàng, như vậy trẻ dễ tiếp thu hơn. Với “týp” trẻ này nếu bị cha mẹ mắng thường cãi lại hoặc im lặng, sẽ làm cha mẹ càng bực bội hơn, lại mắng con nhiều hơn, gay gắt hơn làm cho trẻ tổn thương nhiều hơn, phản ứng gay gắt hơn, khi đó việc ta mắng trẻ trở thành cái vòng luẩn quẩn.
- Khi mắng trẻ, chúng ta cần tuân thủ 3 điểm quan trong sau:
- Không dùng những câu phủ nhận nhân cách của con như “mày là cái đứa chẳng ra gì cả! mày là đồ ngu, đồ không thể dạy được….”
- Không la lối om sòm, quát tháo ầm ĩ, nhưng con cái lại chẳng hiểu. Cha mẹ cần phân tích chỉ bảo cái sai, cái cần phải làm đúng.
- Cần dạy bảo, phân tích cho con từ nay nên làm thế nào để không bị mắng nữa.
- “Thuật bánh kẹp” cách nhắc nhở khiến trẻ có thêm hứng thú phấn đấu. Cha mẹ, người lớn cần nêu ra điểm tốt của trẻ trước, sau đó mới đề cập tới điểm xấu, rồi lại tiếp tục nêu ra điểm tốt. Với cách này trẻ không cảm thấy khó chịu khi bị nhắc nhở, mà thậm chí còn cảm thấy được khen. Phương pháp này đặc biệt cần thiết và hiệu quả đối với trẻ có mức độ tự đánh giá bản thân thấp.
- Cách dạy dỗ con trẻ những nề nếp, phép tắc cơ bản trong cuộc sống, dạy con biết thông cảm chia sẻ với mọi người xung quanh… là việc rất quan trọng, và cha mẹ cần chú ý rằng:
- Điều quan trọng nhất là bản thân cha mẹ phải làm gương cho con trẻ, trẻ sẽ bắt chước, noi theo những hành động của cha mẹ một cách tự nhiên.
- Những lời răn dạy kiểu sai khiến, ra lệnh dù có lặp đi lặp lại cũng không có hiệu quả cao, thậm chí là cho mức độ tự đánh giá bản thân của trẻ thấp đi.
- Hãy để trẻ nếm thất bại. Cha mẹ hãy dạy cho con từ chính những thất bại của chúng, khi con thất bại, không chỉ trích, mắng nhiếc, hãy giúp chúng rút được bài học kinh nghiệm sau lần vấp ngã đó. Hãy luôn dạy con rằng “không có sự thất bại, chỉ có bài học kinh nghiệm”.
- Làm thế nào để cha mẹ có thể giữ bình tĩnh, không nổi cáu trước những lỗi lầm của trẻ. Các chuyên gia, những nhà giáo dục Nhật Bản khuyên rằng:
- Các bậc cha mẹ không nên yêu cầu, mong đợi trẻ những điều phi thực tế vì:
- Trẻ con chỉ biết đến mình, chưa thể nghĩ cho người khác; trẻ con hay gặp thất bại do chưa phát triển đến mức biết lường trước sự việc; trẻ con không biết nghe lời do chưa thể bình tĩnh lắng nghe lời của người khác.
- Các bậc cha mẹ nên nhìn nhận theo hướng tích cực rằng: Trước khi có khả năng nghĩ cho người khác, đầu tiên trẻ con cần có khả năng “tự khẳng định mình”; nhờ thất bại trẻ mới có cơ hội học hỏi được nhiều điều; những điều đó biểu hiện khả năng tự lập ở trẻ.
- Các bậc cha mẹ không nên nhìn nhận một cách tiêu cực những hành động lời nói của trẻ. Vì con trẻ đang trong giai đoạn phát triển và học hỏi, nên một số hành động và câu nói nếu cha mẹ suy diễn theo cách suy nghĩ của người lớn thì rất khó chấp nhận, vì vậy đừng cố hiểu sai con trẻ theo hướng tiêu cực.
- Các bậc cha mẹ không nên mang cảm giác trách nhiệm một cách thái quá. Nếu cha mẹ cho rằng, mọi hành vi lời nói của con trẻ đều do mình nuôi nấng dạy dỗ không tốt, thì sẽ trở nên quát mắng con nóng vội.
- Những điều cha mẹ cần lưu ý để trẻ lớn lên không thành kẻ dễ ẽ nổi khùng:
- Cha mẹ phải là người không hay nổi khùng.
- Không dạy con theo kiểu ngược đãi, đánh đập, phạt con nhiều lần.
- Hỗ trợ người mẹ
- Nếu muốn bảo vệ con, trước hết cần bảo vệ người mẹ, người đã và luôn phấn đấu cho sự nghiệp nuôi dạy con cái, người luôn chịu sức ép nặng nề hơn khi nuôi dạy con.
- Mẹ đi làm, với con là “được” hay “mất”. Năm 1999, Nhật Bản đã ban hành luật về “Nam nữ bình đẳng cùng tham gia hoạt động xã hội”. Người vợ đi làm có thể đi công tác, được bổ nhiệm, công việc với họ ngày một nặng nề hơn. Đã có rất nhiều tranh luận khác nhau xung quanh luật này liên quan đến nuôi dạy con cái. Nhưng nhiều người Nhật thống nhất rằng, cho đến khi trẻ được 3 tuổi, giai đoạn não bộ phát triển mạnh nhất, việc đứa trẻ được nuôi dưỡng trong môi trường an bình, đầy ắp tình yêu thương là cực kì quan trọng, (theo Ibuka Masaru thì gần như toàn bộ năng lực trí tuệ và nền tẳng tính cách được hình thành cho đến khi trẻ ba tuổi).
- Bố mẹ phải làm sao khi cả hai cùng đi làm, vẫn đảm bảo dành đủ thời gian gần gũi con cái?
- Không nên phó thác hoàn toàn việc chăm sóc con cho ông bà hay người giúp việc.
- Những việc chính liên quan đến con, người mẹ cần thực hiện, nếu không sau này có thể sẽ xảy ra hậu quả khôn lường.
- Khi đi làm về, dù chỉ có 5-10 phút cùng con người mẹ cũng nên cố gắng tận dụng hỏi han, gần gũi con. Hãy làm cho thời gian ít ỏi đó của mẹ và con thật vui vẻ. Đừng biến nó thành thời gian mắng con hay ra lệnh con.
- Người cha cần chung tay với người mẹ trong việc nuôi dạy con. Người cộng sự đắc lực nhất với các bà mẹ trong việc nuôi dạy con chính là người cha, tất nhiên để làm được điều này cần khắc phục tư tưởng “Đàn ông xây nhà, đàn bà xây tổ ấm”.
- Con được “nâng như nâng trứng” thì mẹ cũng phải được “hứng như hứng hoa”. Sự nghiệp nuôi dạy con cái là sự nghiệp quan trọng trong mọi xã hội, nhất định không thể dần xấu đi. Nếu trẻ là ngọc quý, là quả trứng để chúng ta nâng niu, thì những người mẹ cũng phải là ngọc quý, là hoa để chúng ta trân trọng. Hãy nên luôn sát cánh, đồng hành bên những “viên ngọc quý” đó!
Bạn có biết:
Đứa trẻ dễ nổi khùng thực ra thường rất nhạy cảm, quan tâm đến người khác.
Đứa trẻ không nghe lời thường là những đứa có chính kiến riêng rất mạnh mẽ.
Đứa trẻ tác phong chậm chạp cũng có thể thuộc “týp” nguời tỉ mỉ, nhẫn nại.
Đứa trẻ nghịch ngợm là đứa trẻ khỏe mạnh v.v…
- Mời tham khảo thêm một số nguyên tắc nuôi dạy con của người Nhật
- Trẻ em không cần phải quá thông minh. Thông minh, học giỏi là điều tốt, nhưng điều quan trong hơn là cần có nhân cách tốt.
- Môi trường nuôi dạy con cái là rất quan trọng. Khó có thể dạy dỗ một đứa trẻ nên người trong một gia đình hay xung đột, một trường học nhiều trẻ hư hay một khu phố có nhiều tệ nạn.
- Không bao giờ hình thành cho trẻ một thói quen xấu. Không thỏa hiệp lợi ích ngắn hạn để hình thành thói quen xấu cho con. Ví dụ như: đứa trẻ không ăn, mẹ lại bật tivi cho con xem để dỗ ăn. Như thế, để đạt được mục đích cho con ăn được thêm vài thìa cơm, mẹ đã phải đánh đổi bằng một thói quen xấu rất khó bỏ.
- Tôn trọng trẻ em, biết đồng cảm với trẻ (xem thêm mục II.14 ở phía trên).
- Luôn nói sự thật với con, không bao giờ tỏ ra “ngoại giao”, nói dối với người khác trước mặt con trẻ.
- Không bao giờ được thỏa hiệp một số nguyên tắc không cho phép với con dù biết trẻ sẽ mè nheo, phản đối. Vì sự thỏa hiệp chỉ khiến kết quả tồi tệ hơn.
- Chế độ ăn uống cho con phải cân bằng. Con dưới 1 tuổi sữa vẫn là nguồn dinh dưỡng chính. Hơn 1 tuổi nên ăn 3 bữa một ngày, thực phẩm phải cân bằng và phong phú.
- Trẻ con không bao giờ để mình bị đói, nên không cần ép con ăn, lo con đói.
- Bữa ăn phải được diễn ra trên ghế ăn. Không ngồi thì chưa được ăn.
- Bổ sung canxi cho trẻ khi không thiếu là không cần thiết. Chỉ cần cho con chạy nhảy dưới ánh mặt trời, tắm nắng thường xuyên là được.
- Cho trẻ mặt quần áo nên mặc nhiều lớp. Như vậy khi con nóng có thể cởi bớt, lạnh có thể khoác thêm. Chơi thể thao toát mồ hôi có thể bỏ ra.
- Xác định con lạnh hay không bằng cách kiểm tra ở cổ của trẻ.
- Cho trẻ ăn trái cây thường xuyên và mỗi ngày.
- Khi trẻ có triệu chứng cảm lạnh như chảy nước mũi, chỉ cần liên tục nhỏ thuốc muối sinh lý, chưa cần uống thuốc. Nếu con có virus cúm mới cần uống thuốc và không được uống quá 14 ngày.
- Con sốt phải đưa đến bệnh viện khám và cố gắng yêu cầu xét nghiệm máu.
- Ai cũng có thể bị bệnh, bị ốm. Do vậy khi một đứa trẻ bị cảm lạnh, bệnh nhẹ, đừng hoảng sợ và không cần quá hoang mang.
- Nếu việc con làm không ảnh hưởng đến sự an toàn của con, đến lợi ích của người khác, thì không được quá can thiệp vào hành vi của con.
- Để trẻ chơi thoái mái, không nên giục giã.
- Không phải cứ cái gì nguy hiểm cũng cấm con không được tiếp cận. Nên cho con biết nguy hiểm sẽ xảy ra như thế nào, xảy ra ở đâu, làm thế nào để tránh. Cho con tiếp cận với sự nguy hiểm trong phạm vi kiếm soát được.
- Cần để con có cơ hội tự trải nghiệm càng nhiều càng tốt. Không nên nói trước kết quả với con. Hãy để bé tự khám phá, biết hậu quả, biết cách thành công và biết cả thất bại.
- Dạy trẻ học cách chờ đợi.
- Dạy trẻ chịu trách nhiệm về hành động của mình.
- Dạy trẻ cách cho đi và nhận lại là quá trình hai chiều. Người nhận cũng phải biết ơn.
- Hiện nay trong xã hội có rất nhiều phương pháp giáo dục sớm. Nếu không thực sự hiểu, không biết làm thế nào thì đừng làm và đừng ép con.
- Phải đảm bảo mỗi ngày đều có thời gian dành cho con, chơi với con.
- Luôn có cách khiến con cười ít nhất vài lần một ngày để duy trì tâm trạng tốt.
- Dạy trẻ cách đối mặt với thất bại. Con có thể không hài lòng, có thể bỏ cuộc, có thể cố gắng làm tiếp một lần nữa, nhưng dứt khoát không khóc, không được suy sụp.
- Nguyên tắc cơ bản là không bao giờ được đánh bạn trước, tấn công bạn trước. Trong nhà trẻ, có thể thu hút sự chú ý của cô giáo và các bạn khác bằng cách nói lớn tiếng.
- Con có quyền quyết định những việc liên quan đến con.
- Khi con được 4-5 tuổi, hãy dạy con cách tiêu tiền và cho con tiền tiêu vặt hàng tuần.
Trong cuốn sách "Cha mẹ Nhật dạy con tự lập", tác giả Sugahara Yuko đã chia sẻ 66 bài học giúp con tự lập bằng yêu thương của cha mẹ Nhật. Trong đó có một số điều mà cha mẹ Nhật không bao giờ làm khi muốn hình thành thói quen tự lập cho con:
- Không dùng từ ra lệnh và cấm đoán với con
Cha mẹ Nhật thấu hiểu rất rõ rằng, những trẻ được cha mẹ sử dụng nhiều từ mang tính khẳng định và tích cực thì sẽ có nhận thức về bản thân mình một cách tích cực. Và khi đã nhận thức tích cực về bản thân, trẻ sẽ dễ dàng yêu và "khẳng định bản thân" mình. Ngược lại, những trẻ bị cha mẹ dùng nhiều từ mang tính phủ định, sẽ cảm nhận mọi người không yêu thương mình, cho rằng mình là kẻ yếu hèn, có thể dẫn đến chán ghét chính bản thân mình và sẽ sống co mình trong vỏ ốc.
Để cha mẹ không sử dụng những từ ra lệnh, việc quan nhất là luyện cho trẻ hình thành thói quen tự giác, bằng việc tạo ra một nếp sinh hoạt gia đình phù hợp, tạo cho trẻ thói quen sinh hoạt khoa học, đưa ra những quy định rõ ràng trong nhà và luôn luôn ghi nhớ rằng bố mẹ phải là người đầu tiên tuân thủ những quy định đã đề ra...
Ngay sau khi chào đời, trẻ sẽ không ngừng tìm hiểu thế giới xung quanh và thích được làm những việc người lớn làm. Hãy hướng dẫn trẻ những việc khó và thậm chí nguy hiểm như leo lên, xuống cầu thang, sử dụng dao kéo ứng với từng độ tuổi. Hãy dạy trẻ cái nào nguy hiểm không được chạm vào, và không nên để chúng gần trẻ. Khi cha mẹ dạy con càng nhiều các kĩ năng thực hành trong cuộc sống, con trẻ sẽ càng khéo léo, tự tin, độc lập, mà cha mẹ không cần phải dùng đến những từ ngữ ra lệnh và cấm đoán.
- Đừng yêu con thái quá
Cha mẹ nào cũng dành tất cả tình yêu mình có cho con. Nhưng thế nào là "yêu con thái quá"? Một trong những biểu hiện rõ rệt là cha mẹ cảm thấy "tội nghiệp" khi thấy con phải "hứng chịu" những kết quả tồi tệ do chính hành động của con gây ra, hoặc luôn cho rằng, mọi hành vi lời nói sai của con trẻ đều do mình nuôi nấng dạy dỗ không tốt. Họ không đành lòng đứng nhìn con mình gặp khó khăn mà không giơ tay ra cứu giúp, hoặc việc đứng nhìn khi con trải qua những khó khăn đó cũng khiến họ cảm thấy thật là tội lỗi.
Tình yêu thương thái quá dẫn đến việc can thiệp quá đà vào cuộc sống, sinh hoạt hàng ngày của con. Nhiều cha mẹ không chỉ dừng lại ở việc can thiệp vào sinh hoạt hàng ngày mà còn gây ảnh hưởng đến cả tính cách của con, ép con phải làm theo ý mình. Sự bao bọc thái quá đó của cha mẹ sẽ không chỉ giết chết tinh thần tự lập của con mà còn khiến đứa trẻ trở nên yếu đuối, luôn bị tình thương của cha mẹ chi phối, sẽ sống mà ôm lấy tổn thương trong một thời gian dài.
- Làm thay con chính là hại con
Họ cho rằng những trẻ lớn lên trong sự bao bọc giúp đỡ của cha mẹ sẽ bị tước đoạt đi vô vàn trải nghiệm mà đáng lẽ bản thân chúng phải được tự trải qua. Chính vì thế, việc học hỏi thông qua những trải nghiệm sẽ ít đi, dẫn đến trẻ sẽ thiếu kinh nghiệm để giải quyết vấn đề. Đối với những trẻ thiếu trải nghiệm, chắc chắn với thế giới sẽ rất khó hòa nhập, bởi lúc đó, trẻ chỉ biết bỏ cuộc và né tránh.
Trong cuốn sách Sugahara Yuko cũng chỉ ra những biểu hiện của “cha mẹ làm thay” như: luôn ra lệnh, chỉ thị bắt trẻ làm thế này, thế kia; đáp ứng vô điều kiện với những đòi hỏi của trẻ (ngay cả khi trẻ không có nhu cầu nhưng vẫn đưa cho trẻ) hay lúc nào cũng muốn trẻ sẽ đáp ứng và làm theo ý mình (không quan tâm xem trẻ muốn gì, dù nghe trẻ nói cũng không tôn trọng ý kiến đó của trẻ)…
(Tóm tắt chính theo Akebashi Daji)
Hệ thống Giáo dục Quốc tế Nhật Bản