5 ĐỊNH NGHĨA VỀ GIÁ TRỊ & TIÊU CHÍ HOẠT ĐỘNG TẠI JIS
01/10/2024Các quý vị phụ huynh học sinh quý mến!
Là cha mẹ, tất cả chúng ta ai cũng mong muốn con cái mình khỏe mạnh, có nhân cách tốt, thông minh, giỏi giang và trở thành những người có đóng góp to lớn cho gia đình và xã hội. Sự kỳ vọng đó là hoàn toàn đúng đắn và thật sự chúng ta có thể làm được. Tuy nhiên, trong thực tế có những cháu thông minh, học nhanh, học giỏi và cũng không ít những cháu mặc dù đã có nhiều cố gắng nhưng vẫn không đạt được kết quả như mong đợi. Đó là điều làm cho chúng ta phải suy nghĩ…Câu trả lời là ở phương pháp và tất nhiên phương pháp đó phải được sử dụng nhất quán ở gia đình cũng như ở trường học. Để có thể phối hợp với nhà trường giúp con cái có phương pháp học tập tốt, trước hết chúng ta cần hiểu hơn về bộ não, về con cái chúng ta, phương pháp giảng dạy của nhà trường. Đó chính là mục tiêu của bài viết, chúng tôi rất cần nhận được sự quan tâm và phối hợp chặt chẽ các quý vị phụ huynh.
- Bộ não người – tiềm năng vô tận
Các nhà khoa học Ivan Pavlov, Albert Einstein…. và Tiến sỹ Georgi Lozanov, nhà giáo dục, đồng thời là nhà tâm lý học và cha đẻ của phương pháp học tập “Tăng tốc” khẳng định : Hầu như tất cả trẻ em đều sinh ra với tiềm năng trở thành thiên tài. Tuy nhiên, trong quá trình lớn lên, đa số trẻ em đã để vuột mất khả năng trời cho vì những tác động tiêu cực thường trực trong cuộc sống xã hội. Thật vây:
Các nhà khoa học đã tính toán được rằng: bộ não của chúng ta chứa tổng cộng tới 160.934 km tế bào máu và mọi người đều tương đương nhau với khoảng 100 tỷ nơron thần kinh (khi mới sinh ra), đủ chỗ chứa 5 lần bộ từ điển bách khoa Enclyclopedia Britannica hay khoảng 1.000 terrabyte thông tin, tương đương với khoảng 74.000 máy tính Pentum III, được kết nối với nhau và cùng hoạt động (được gọi là phần cứng). Các nhà khoa học nổi tiếng như: Nhà vật lý Albert Einstein, đại thi hào Goethe, đại danh họa Leonardo da Vinci và nhà soạn nhạc danh tiếng Beethoven đều là những thiên tài vĩ đại nhất qua mọi thời đại trong các lĩnh vực của mình . Nhưng không phải vì họ sở hữu bộ não siêu phàm khác người, mà ở chỗ họ nắm bắt được cách thức “cởi trói” cho tiềm năng bộ não. Trong khi một người bình thường sử dụng ít hơn 1% khả năng não bộ trong suốt cuộc đời, thì thiên tài như họ cũng chỉ sử dụng từ 3-5% khả năng ấy.
Sự thông minh của mỗi người không nằm ở hệ thần kinh não bộ (phần cứng) mà chính là ở cách mà các nơ-ron của chúng được kích hoạt sử dụng (phần mềm). Như vậy, càng có nhiều liên kết nơ-ron trong một khu vực nào đó, con người càng trở nên thông minh hơn, nhạy cảm hơn trong lĩnh vực ấy. Mỗi nơ-ron thần kinh lại có khoảng 5.000 kết nối, nếu thực hiện tất cả các kết nối của nơ-ron thần kinh, sự thông minh của con người sẽ là vô hạn. Để tăng cường sự kết nối của các nơ-ron chúng ta có thể nghe nhạc Baroque, tăng cường sự kích thích, thách thức bộ não bằng việc đặt, suy nghĩ và trả lời các câu hỏi khó. Đặc biệt cần dạy trẻ từ khi lọt lòng, các nơ-ron thần kinh của trẻ sẽ chết rất nhanh nếu không được kích thích sử dụng và rèn luyện, nó cũng giống như cơ bắp của chúng ta sẽ teo đi, nếu không được vận động thường xuyên .
- Bán cầu não
Bộ não người được chia ra hai bán cầu, bán cầu não trái, bán cầu não phải. Bán cầu não trái có chức năng xử lý các vấn đề liên quan đến lập luận, logic (toán học), sự kiện, ngôn ngữ, chuỗi số, phân tích; ngược lại bán cầu não phải xử lý các vấn đề liên quan đến sáng tạo, chụp ảnh, âm nhạc, mơ mộng, tưởng tượng, màu sắc và tình cảm. Những người có não trái phát triển trội hơn thường sống có lý trí, ưa phân tích, yêu thích các môn tự nhiên, lý luận, học tập và làm việc có phương pháp, tư duy tuyến tính và lập luận logic, nhưng cũng dễ máy móc và thiếu sự sáng tạo. Những người có não phải phát triển trội hơn thường rất sáng tạo, sống thiên về tình cảm, thích khác biệt so với người khác, giải quyết các hoàn cảnh khó khăn, đột xuất một cách dễ dàng, thích tư duy trừu tượng, yêu thích nghệ thuật (âm nhạc, hội họa, và các môn nghệ thuật khác), nhưng hay giải quyết công việc bằng trực giác và thiếu logic. Những người phát triển đều hai bán cầu não sẽ có cuộc sống, cách suy nghĩ lập luận cân bằng và chuẩn mực hơn.
Đáng tiếc hiện nay các môn học, phương pháp dạy và phương pháp học của chúng ta chủ yếu giúp phát triển não trái, chỉ vài phần trăm giúp phát triển não phải. Vậy bí quyết giúp trẻ chú ý, tập trung ghi nhớ và học tập hiệu quả chính là vận dụng cả bộ não, tận dụng cả hai bán cầu não vào quá trình ghi nhớ và học tập. Nếu huy động cả bộ não vào việc học tập, việc học tập của các em chúng ta sẽ nhẹ nhàng hơn và điều quan trong nhất là chúng ta sẽ đào tao ra những con người giàu tình cảm, sáng tạo trong học tập, công việc và trong cuộc sống nói chung. Một số phương pháp học tập giới thiệu dưới đây, đặc biệt phương pháp Shichida dành cho trẻ từ 0-6 tuổi, được áp dụng trong nhà trường nhằm phát triển khả năng tư duy của não phải. Shichida cho rằng, việc giáo dục phát triển não phải không chỉ là việc tập trung vào thành tích học tập của trẻ, mà một trong những kết quả thần kỳ của nó là tất cả trẻ em được phát triển tâm trí một cách nhẹ nhàng và hài hòa, trẻ sẽ biểu lộ sự nhạy cảm đa dạng, về lòng nhân đạo, trí tưởng tượng và sự sáng tạo. Nó nuôi dưỡng tình yêu, tạo sự hiệp nhất của các giác quan (thính giác, thị giác, xúc giác ….) và điều quan trọng là sự hợp tác tuyệt vời giữa bố mẹ và các con. Giáo dục sớm và giáo dục phát triển não phải sẽ định hình tương lai của thế giới, bởi một trong những mục tiêu của giáo dục là để tạo ra một thế giới tốt đẹp hơn. Đây là kết quả tự nhiên của giáo dục phát triển não phải, phương pháp học tập dựa trên tình yêu và sự hợp tác. Ngược lại, “giáo dục phát triển não trái là tạo nên sự đối đầu và cạnh tranh”- Shichida. Gần đây nhà trường Nhật Bản, còn quan tâm dạy và rèn luyện cho học sinh: trước khi nói, trước khi hành động cần suy nghĩ phán đoán đối tác của mình sẽ suy nghĩ, sẽ phản ứng thế nào? Hay nói khác hơn là phải đặt mình vào vị trí của người khác trước khi nói và hành động để không làm tổn thương đến họ. Shichida là người rất quan tâm và là người khởi xướng phương cách giáo dục sao cho cân bằng giữa não phải và não trái. Phương pháp giáo dục Shichida đang rất được thịnh hành tại Nhật Bản.
- Các vùng năng khiếu
Bộ não mỗi người đều có 7 vùng năng khiếu riêng biệt như; Ngôn ngữ, Logic-Toán học, Không gian - Hình ảnh, Âm nhạc, Cơ thể -Vận động, Hướng ngoại và Nội tâm (hướng nội): (1). Các em có năng khiếu về ngôn ngữ: thích đọc, viết và kể chuyện, có năng khiếu nhớ tên, địa điểm, ngày tháng… sẽ học tốt bằng cách nói, nghe và nhìn. (2). Các em có năng khiếu Logic-Toán học: thích thử nghiệm, giải thích, làm việc với số, đặt câu hỏi và khám phá các mối quan hệ, có năng khiếu về toán, lý luận, logic và giải quyết vấn đề… sẽ học tốt bằng phân loại, phân mục và thực hành các mẫu trừu tượng và các mối quan hệ. (3). Các em có năng khiếu không gian: thích vẽ, xây dựng, thiết kế và tạo ra mẫu vật, hay mơ vào ban ngày, ngắm tranh, xem phim, chơi với các máy móc, có năng khiếu tưởng tượng ra các vật, cảm nhận được sự thay đổi, đánh đố và đọc bản đồ, sơ đồ… sẽ học tốt bằng trực quan, tưởng tượng, tranh minh họa và dùng bút màu. (4). Các em có năng khiếu âm nhạc: thích hát, ngân nga giọng, nghe nhạc, chơi nhạc, có năng khiếu nghe được âm thanh khác nhau, nhớ giai điệu, chú ý nốt thăng, giai điệu và theo thời gian… sẽ học tốt bằng giai điệu, nhịp điệu và âm nhạc. (5). Các em có năng khiếu vận động: thích đi lại, sờ mó và trò chuyện sử dụng ngôn ngữ cơ thể, có năng khiếu về các hoạt động thể chất… sẽ học tốt bằng chạm vào vật, đi lại, hòa nhập với không gian và xử lý kiến thức thông qua cảm nhận của cơ thể. (6). Các em có năng khiếu hướng ngoại: thích có nhiều bạn bè, trò chuyện và hoạt động nhóm, có năng khiếu hiểu mọi người, lãnh đạo người khác, tổ chức, liên hệ và suy ngẫm mâu thuẫn… sẽ học tốt bằng chia sẻ, so sánh, quan hệ, hợp tác và phỏng vấn. (7). Các em có năng khiếu hướng nội: thích làm việc một mình và theo đuổi mục đích của riêng mình, có năng khiếu hiểu bản thân, tập trung vào bên trong cảm giác, theo bản năng, theo đuổi mục đích và thích là chính mình… sẽ học tốt bằng học một mình, làm việc cá nhân, học theo cách riêng và có không gian riêng.
Mỗi vùng năng khiếu thể hiện sự yêu thích, sở trường và có thế mạnh trong phương pháp học tập khác nhau, chúng ta cần nhận biết và phát huy những vùng năng khiếu, trên cơ sở đó giúp các em tìm ra phương pháp học tập hiệu quả riêng cho mỗi người. Nếu con bạn có ít năng khiếu ở vùng não bộ nào đó, chúng ta cần kích hoạt và chú ý hơn sử dụng khu vực đó của não bộ, bằng việc luyện tập nhiều lần để tạo ra nhiều liên kết nơ-ron và tăng cường trí thông minh. Ngược lại, não sẽ suy giảm dần, nếu chúng ta không luyện tập thường xuyên, dễ làm khó bỏ. Đây chính là điều mà nhiều con em của chúng ta hay mắc phải mỗi khi bị điểm kém, bị đánh giá thấp, thiếu sự khích lệ từ cha mẹ, người thân và nhà trường (Cách thức rèn luyện để trở thành người thông minh hơn xin mời đọc bài “Chắc chắn bạn sẽ trở thành người thông minh hơn”). Nắm vững các vùng năng khiếu, thế mạnh của mình còn có ý nghĩa quan trong trong việc đinh hướng lựa chọn công việc lâu dài nhằm phát huy thế mạnh bẩm sinh của mỗi người.
Thực tế cuộc sống, trong qúa trình học tập, nhiều em chưa có kết quả tốt, không phải vì năng lực học tập của các em kém, cũng không phải vì chương trình quá nặng, mà là vì các em chưa được dạy về phương pháp học tập tiên tiến và chưa có kỹ năng để phát huy được thế mạnh về năng khiếu của mình trong ghi nhớ và học tập.
(GS. Gardner thuộc Đại học Harvard đưa ra thuyết thông minh đa dạng, với tám loại hình thông minh - tám cách để trở nên tài giỏi (bao gồm 7 loại hình thông minh tương tự như bảy vùng năng khiếu đã nêu ở trên và thêm trí thông minh thiên nhiên). Theo ông, tám loại hình thông minh là khác nhau nhưng chúng cùng giá trị như nhau và dù bạn đang sở hữu bất kỳ loại hình thông minh nào và ở mức độ nào bạn cũng có thể nhận biết, bồi dưỡng và phát triển nó, ngoài ra còn có thể dùng nó để phát triển các loại hình thông minh khác. Xin mời đọc bài “Bạn sẽ thông minh hơn, nếu bạn muốn”) .
- Hiểu về con cái
Từ đáy lòng, tất cả con cháu chúng ta đều mong muốn đạt thành tích cao trong học tập, trở thành người thành công, được yêu quý, nổi tiếng và có mối quan hệ tốt với cha mẹ. Chắc chắn những điều này cũng phù hợp với những mong muốn của tất cả những người làm cha mẹ. Nhưng tại sao một số trẻ không thể hoặc không muốn phấn đấu đạt kết quả cao trong học tập? Phải chăng chúng chưa biết sử dụng những phương pháp, kỹ năng học tập hiệu quả dẫn đến thiếu niềm tin rằng chúng có thể học tốt và rất tốt. Bên cạnh đó có một số bậc cha mẹ chưa hiểu con cái, sự quan tâm chưa phù hợp và kịp thời đã tác động đến những cảm xúc của chúng, củng cố thêm cảm xúc tiêu cực sẵn có ở trong trẻ về bản thân, làm nhụt ý chí và từ đó bỏ mặc mọi chuyện .
Tất cả con cháu chúng ta luôn mong muốn được cha mẹ yêu thương, tin tưởng và chấp nhận; một chút độc lập, tự do (trong khuôn khổ); có khoảng không gian để thể hiện và khẳng định mình. Đây cũng chính là những cảm xúc tác động mạnh mẽ nhất đến suy nghĩ và hành động của chúng. Khi con cái chúng ta cảm nhận được tình yêu thương của cha mẹ, của mọi người, chúng sẽ luôn nhiệt tình trong mọi công việc (cần chú ý rằng chúng ta yêu thương con cái khác với việc chúng cảm nhận được tình yêu thương ấy); khi cảm nhận mình được cha mẹ chấp nhận, mình được coi là quan trọng, chúng sẽ biết nhìn nhận và tự yêu quý bản thân mình, từ đó, chúng luôn sẵn sàng giúp đỡ mọi người, làm công tác xã hội, luôn phấn đấu đạt điểm cao và tóm lại, chúng luôn luôn muốn khẳng định mình. Ngược lại, khi con cái chúng ta không cảm nhận được tình yêu thương, thiếu tình yêu thương, sự chấp nhận của cha mẹ và từ những người xung quanh, chúng thường có cảm giác tồi tệ về bản thân, không dám tin vào mình, dẫn đến dễ tự ái và tổn thương, đôi khi tỏ thái độ bất cần đời, có khuynh hướng dễ lăng mạ, coi thường người khác và dễ bị tác động xấu từ bên ngoài.
- Giúp con cái thành công
Chúng tôi luôn tin rằng, là cha mẹ, các bạn luôn mong muốn con cái mình thành công. Đối với hầu hết các bậc cha mẹ, thành công của con cái còn quan trọng hơn thành công của chính mình, thậm chí còn có thể hy sinh tất cả những gì của riêng mình vì sự thành công và hạnh phúc của con cái. Nhưng thương yêu thôi chưa đủ, chúng ta còn cần có phương pháp dạy con một cách phù hợp.
Đối với các lóp Mầm non, nhà trường thực hiện giáo dục sớm với sự kết hợp hài hoà phương pháp giáo dục Nhật Bản, Montessori và Shichida - quan tâm phương cách giáo dục sao cho cân bằng giữa não phải và não trái. Đối với các hệ phổ thông nhà trường áp dụng phương pháp giáo dục của Nhật Bản.
Phương châm của nhà trường: Việc học có thể vui vẻ và cần phải vui vẻ, với chương trình giảng dạy là sự kết nối việc xây dựng niềm tin, kỹ năng học tập, phương pháp tư duy, kỹ năng sống và kết quả rèn luyện đạo đức, thể chất trong một môi trường tràn đầy niềm vui. Các em sẽ được học tập trong một môi trường vui vẻ, được rèn luyện những phương pháp học tập siêu tốc như: phương pháp đọc hiệu quả (đọc nhanh gấp 5-6 lần người bình thường, nhưng lại hiểu nhiều hơn); Sử dụng phương pháp ghi chú, học tập bằng sơ đồ tư duy để dễ nhớ và giúp bán cầu não phải tham gia tích cực hơn vào quá trình ghi nhận thông tin, sử dụng cả hai bán cầu não vào học tập; Rèn luyện 17 nguyên tắc của trí nhớ (Xem Phương pháp rèn luyện trí nhớ). Đó là những phương pháp, những công cụ, kỹ năng học tập tuyệt vời được các nước tiên tiến trên thế giới áp dụng từ lâu, nó vô cùng quan trọng và hiệu quả trong quá trình học tập và cả cuộc sống sau này của con cái chúng ta. Tuy nhiên chúng tôi luôn hiểu rằng các em sẽ không thành công mĩ mãn nếu thiếu vai trò của các bạn, những người làm cha mẹ luôn luôn quan tâm, lo lắng cho con cái.
Thật vậy, cha mẹ có vai trò to lớn đến thành công của con cái, có năng lực màu nhiệm tạo nên sự thay đổi của con cái. Bí quyết ở chỗ chúng ta cần biết cách khơi gợi những cảm xúc tích cực trong trẻ bằng cách “bấm đúng nút”. Chúng tôi tin rằng tất cả trẻ em, về bản chất đều có sẵn trong mình động lực vươn tới thành công và rất dễ được “kích hoạt” nếu ta biết cách gửi đi đúng thông điệp mà chúng cần.
Yếu tố lớn nhất và quan trong nhất là sự hình thành thái độ, hành vi, và tương lai của một đứa trẻ phụ thuộc vào cách dạy dỗ của chúng ta đối với chúng. Nếu cha mẹ có cách suy nghĩ tích cực và dành thời gian để bảo ban, trò chuyện, nâng đỡ con em, chúng sẽ tin tưởng vào bản thân nhiều hơn, có động lực mạnh mẽ hơn và thành công hơn. Người Việt Nam chúng ta vẫn thường nói “mất niềm tin là mất tất cả”, vì vậy việc đầu tiên là chúng ta cần tạo cho con cháu có niềm tin. Niềm tin tích cực trong mỗi đứa trẻ sẽ giúp chúng miễn dịch với ảnh hưởng xấu từ bên ngoài. Cần khuyến khích con cháu sống có ước mơ, giúp chúng xây dựng kế hoạch, quản lý thời gian và thực hiện tốt kế hoạch. Trong thực tế tất cả các em học giỏi đều có phương pháp học tập hiệu quả và tự quản lý bản thân chặt chẽ hơn. Thật là tuyệt vời nếu bạn chia sẻ ước mơ và mục tiêu của bạn đối với con cái.
Công thức học tập dẫn đến thành công được các nhà giáo dục thừa nhận bao gồm các bước: Xác định thế mạnh của mình trong học tập (căn cứ các vùng năng khiếu - Trí thông minh đa dạng); xây dựng niềm tin tích cực trong học tập; có mục tiêu rõ ràng; lên kế hoạch thực hiện chi tiết; quản lý thời gian học tập tốt để thực hiện kế hoạch; học bằng cả bộ não và thực hiện phương pháp học tập đỉnh cao như: đọc nhanh, nắm từ khóa; sử dụng sơ đồ tư duy; sử dụng, rèn luyện trí nhớ siêu đẳng; ứng dụng kiến thức đã học làm bài tập, trả lời các câu hỏi; ôn lại bài và áp dụng các kỹ năng thi cử. Hầu hết các nội dung nêu trên đòi hỏi có sự phối hợp nhịp nhàng giữa nhà trường và phụ huynh, chúng tôi luôn mong nhận được sự quan tâm của gia đình trong những hoạt động này. Đặc biệt các bậc cha mẹ cần phối hợp với các thầy, cô giáo để phát hiện năng khiếu của từng em, từ đó áp dụng những phương pháp học tập khác nhau, nhằm học tập đạt hiệu quả nhất, đồng thời tăng cường luyện tập những vùng có ít năng khiếu, để các nơ-ron được kích hoạt và trí tuệ của chúng được phát triển toàn diện.
Các em học hầu hết thời gian ở trường, thời gian học ở nhà không nhiều, nhưng sự quan tâm nhắc nhở, động viên của các bậc phụ huynh, giúp các em có thời gian hồi tưởng, liên tưởng lại những gì đã học trong ngày, trong tuần có ý nghĩa vô cùng quan trọng trong việc rèn luyện trí nhớ cũng như việc nắm vững những kiến thức đã được học.
Người Việt Nam chúng ta vẫn có câu “Cá không ăn muối cá ươn, Con cưỡng cha mẹ trăm đường con hư”, song ngày càng có nhiều gia đình có quan niệm bình đẳng hơn, cho phép con cái có cơ hội được đối thoại để hiểu con cái hơn và tất nhiên đó là những gia đình thành công hơn trong việc nuôi dạy con cái. Trong xã hội hiện đại, sự bùng nổ về thông tin khiến con cái chúng ta có hiểu biết hơn, dễ xúc cảm hơn và có nhiều cơ hội tiếp xúc với nhiều luồng thông tin khác nhau hơn. Để dạy con cháu, chúng ta cần hiểu chúng nhiều hơn, cần thay đổi những quan niệm và thói quen cũ để thích nghi với thời đại mới. Như vậy chúng ta mới có thể xóa đi khoảng cách giữa hai thế hệ, gần gũi với chúng và giúp con cháu có niềm tin, phát huy mọi năng lực còn tiềm ẩn để học tập tốt, thành công và tạo dựng một cuộc sống hạnh phúc.
Để giáo dục những đứa con chưa được như mong muốn, giúp chúng gắn kết với gia đình nhiều hơn và trở thành những đứa trẻ thành công, chúng ta cần phải chấp nhận: con cái chúng ta có cách suy nghĩ và nhìn nhận khác cha mẹ; chúng ta cần tạo dựng mối quan hệ tích cực, trước khi muốn thay đổi chúng; để mọi việc thay đổi, cha mẹ phải thay đổi trước; cha mẹ phải luôn luôn là tấm gương cho con cái; trong giáo dục con cái không có sự thất bại, chỉ có thông tin phản hồi để từ đó ta suy nghĩ lựa chọn những phương pháp hiệu quả hơn; và cuối cùng cần luôn nhớ rằng: không có điều gì không ổn với con mình, chỉ có cái gì đó không ổn trong hành vi của chúng mà thôi. Khi muốn giúp đỡ con cái, chúng ta cần lắng nghe, thấu hiểu mong muốn và suy nghĩ của chúng trước khi đưa tay giúp đỡ, hãy tác động đến chúng để chúng có suy nghĩ tích cực, giải quyết vấn đề tận gốc, không giải quyết triệu chứng bên ngoài, cần luôn truyền cho chúng những khát khao mãnh liệt. Chuyển thất bại thành bài học kinh nghiệm, hoặc “Thất bại là mẹ thành công” là điều mà các bậc làm cha làm mẹ rất cần nhắc nhở, dạy bảo cho con cháu mình. Ai cũng có ước muốn thành công, tuy nhiên đa số mọi người lại không nắm được cách thức để thành công hoặc do tự cho mình không thể thành công. Khi chúng ta dạy con em rằng chúng có thể thành công và hướng dẫn chúng phương pháp để thành công thì chắc chắn chúng sẽ thành công.
Về kỷ luật trong gia đình, đa số các nhà giáo dục và các bậc phụ huynh đều đồng ý không được nuông chiều trẻ, cần có biện pháp phạt khi chúng phạm lỗi. Tuy nhiên chúng ta cần góp ý, phê bình và phạt trẻ mà không hạ thấp chúng, để chúng có thể tiếp thu và không biểu hiện ý chống đối. Mỗi trẻ cần một cách học, một cách dạy, có trẻ cha mẹ có thể mắng, nhưng có trẻ lại không được mắng (tham khảo giáo dục con kiểu Nhật Bản) Chúng ta nên thực hiện kỷ luật trong gia đình theo phương châm “Cả nhà cùng thắng” và giáo dục con cái theo phương pháp “Kỷ luật không nước mắt”
Cuối cùng, chúng tôi muốn nhắn nhủ với các bạn, những bậc làm cha làm mẹ rằng: Dù con bạn học hành chểnh mảng và kém cỏi đến mức nào thì trong mỗi đứa trẻ cũng đều chứa đựng một tiềm năng phi thường. Đừng bao giờ đánh mất niềm tin đó ở đứa con của bạn. Điều quan trọng là bạn phải dạy cho chúng cách tin vào bản thân, cũng như cách sử dụng các phương pháp học tập tiên tiến, để kích hoạt và thăng hoa tài năng thật sự vẫn ẩn náu trong mỗi đứa trẻ. Chúng tôi bằng tất cả tâm huyết của mình với sự nghiệp giáo dục muốn cùng các bạn, những bậc làm cha làm mẹ giúp các cháu học giỏi và thành công trong cuộc sống.
Hệ thống Giáo dục Quốc tế Nhật Bản