009bet009game009game

Giáo dục sớm

Ngày đăng: 24/09/2024

Do Thái là một trong những dân tộc ưu tú và xuất sắc trên thế giới, đã sản sinh ra những danh nhân vĩ đại cho nhân loại, rất nhiều doanh nhân thành đạt và là dân tộc thông thạo nhiều ngoại ngữ. Trong khi người Châu Âu mới quan tâm đến giáo dục sớm khoảng 100 năm nay, người Do Thái đã quan tâm đến giáo dục sớm từ nhiều thế kỷ và điều đó đã được lưu truyền lại trong kinh Toranh và kinh Talmudh của họ... Còn ở Việt Nam? Giáo dục sớm không nhằm mục đích để đào tạo thiên tài, không phải là để đi học sớm, tốt nghiệp sớm và để tích lũy kiến thức. Giáo dục sớm nhằm phát huy hết khả năng tiềm ẩn trong mỗi đứa trẻ, giúp chúng trở nên ngoan ngoãn, vui vẻ, có trí tuệ thông minh và khỏe mạnh. Phương pháp giáo dục sớm vô cùng quan trọng, khi bộ não của trẻ chưa phát triển hoàn thiện thì năng lực của nó dường như vô hạn, nhưng lại rất dễ bị tổn thương. Hiện có nhiều phương pháp và tài liệu nói về giáo dục sớm trên thế giớ, để giúp các bậc cha mẹ có thể thực hiện giáo dục sớm ở nhà, chúng tôi xin nêu một số nguyên tắc, phương pháp đơn giản dễ thực hiện.

Albert Einstein từng nói “Hầu như tất cả trẻ em sinh ra đều có tiềm năng trở thành thiên tài, nhưng trong những giai đoạn bắt đầu tìm hiểu và học hỏi, những phương pháp giáo dục sai lầm và những tác động tiêu cực trong cuộc sống có thể bóp chết cái chất thiên tài sẵn có trong các bé”. Đó cũng là điều mà nhà tâm lý giáo dục Geogy Lozanov, Shichida Makoto và nhiều nhà giáo dục nổi tiếng trên thế giới thường nhấn mạnh. Đối với trẻ em, điều quan trọng nhất không phải là tài năng thiên phú, mà là phương pháp giáo dục và môi trường mà chúng được sống. Tài năng thiên phú nhiều hay ít không quyết định trẻ sẽ trở thành người thiên tài hay vô dụng mà phương pháp giáo dục của cha mẹ và nhà trường trong giai đoạn 6 năm đầu đời mới là nhân tố chính. Đương nhiên, tài năng của mỗi trẻ là khác nhau, nhưng sự khác nhau đó không nhiều, chỉ cần có tố chất bình thường, nếu được giáo dục một cách đúng đắn chúng đều có thể trở thành những con người phi thường.

Tầm quan trọng của giáo dục sớm đã được chứng minh qua hàng loạt nghiên cứu của các nhà giáo dục học và khoa học mọi lĩnh vực bao gồm y học, tâm lý học, thần kinh học và cả  sinh học. Các nhà nghiên cứu giáo dục trên thế giới đã thống nhất rằng, não bộ được sớm hình thành, phát triển từ những năm đầu đời khi còn là bào thai trong bụng mẹ và phát triển mạnh mẽ nhất ở độ từ 0-6 tuổi. Giáo dục sớm đã nở rộ ở các nước phát triển phương Tây từ suốt thế kỷ 19 và lan rộng sang các nước châu Á trong thế kỷ 20 và 21. Năm 1980, Liên Hợp Quốc đã tổ chức hội nghị nghiên cứu Giáo dục sớm toàn cầu, trước hết từ  0-6 tuổi.

Do Thái là một trong những dân tộc ưu tú và xuất sắc trên thế giới, đã sản sinh ra những danh nhân vĩ đại cho nhân loại và rất nhiều doanh nhân thành đạt. Nhiều nhà nghiên cứu giáo dục cho rằng có được những thành công ấy do người Do Thái rất coi trọng giáo dục gia đình, rất quan tâm đến thuyết Thai giáo học và Giáo dục sớm. Nó đã được lưu truyền lại trong kinh Toranh và kinh Talmudh của người Do Thái từ lâu đời. Theo nhà giáo dục người Do Thái - Bawe thì “Trong cuộc đời con người không có gì quan trọng hơn là giáo dục trẻ từ nhỏ, chúng ta nên tìm mọi cách để trí tuệ, khả năng của trẻ được phát huy tối đa”. Vì vậy, cha mẹ người Do Thái qua nhiều thế hệ luôn coi trọng sự phát triển tiềm năng, bồi dưỡng khả năng thiên phú cho con và cho rằng trẻ từ 0-6 tuổi là thời kỳ đại não phát triển nhanh nhất, trẻ tiếp thu kiến thức dễ dàng nhất, giáo dục sớm là phát triển tiềm năng, đặt nền tảng vững chắc cho con sau này. Họ luôn quan tâm giáo dục nhiều ngôn ngữ cho trẻ, kích thích trẻ hứng thú học tập, tìm hiểu kiến thức và thế giới xung quanh mình.

Từ năm 1965 ở Mỹ, quỹ liên bang bắt đầu tài trợ cho “Chương trình khởi đầu - Head Start” và tập trung vào nhóm từ 3 tới 5 tuổi. Năm 1995, Chính phủ Mỹ đã quyết định khởi động “Chương trình khởi đầu sớm – Early Head Start” dành cho các bé từ 0 tới 3 tuổi. Tổng thống Obama đã sớm nhận ra vai trò quan trọng của giáo dục những năm đầu đời trong sự thành công của con người. Ông đã nêu vấn đề này trước khi giành chức Tổng thống tại buổi trao đổi thường niên của đảng Dân chủ tháng 9 năm 2007, và đã cam kết tăng ngân sách dành cho chương trình lên gấp 4 lần và thực tế  quỹ này tiếp tục tăng trong suốt hai nhiệm kỳ Tổng thống. Tổng thống Obama đã trực tiếp chỉ đạo phong trào giáo dục sớm tại Mỹ, ông đã có bài phát biểu tuyên truyền về chiến dịch giáo dục sớm “Đầu tư vào chúng ta” (Invest in US) với quỹ đầu tư lên tới 1 tỉ đô vào cuối năm 2014. Trong bài phát biểu, Tổng thống Obama đã nhấn mạnh rằng, đầu tư vào giáo dục sớm là sự đầu tư khôn ngoan nhất, và  giáo dục sớm là thắng lợi cho thế hệ non ớt của chúng ta, là cơ hội để tạo ra thành công trong tương lai. Thực sự đúng như vậy, đầu tư vào thế hệ trẻ là đầu tư vào tương lai của chúng ta.

Ở Nhật Bản, giáo dục sớm đã được nghiên cứu và áp dụng từ lâu bởi các nhà giáo dục nổi tiếng như Ibuka Masaru, Shichida… Ấn Độ đang thực hiện một chương trình đầu tư lớn cho giáo dục sớm. Trung Quốc cũng đang thực hiện một chương trình 20 năm để bá chủ thế giới về tiềm năng con người thông qua giáo dục sớm 0-6 tuổi. Ở Việt Nam, phương pháp giáo dục sớm cũng đang được các nhà giáo dục đầu ngành nghiên cứu để đưa vào áp dụng nhằm tạo ra một thế hệ trẻ có trí tuệ phát triển cao trong tương lai.

  1. Sự phát triển của não bộ và giai đoạn vàng trong giáo dục
  • Bộ não người – tiềm năng vô tận: Các nhà khoa học đã tính toán được rằng: bộ não của chúng ta chứa tổng cộng tới 160.934 km tế bào máu và đều tương đương nhau với khoảng 100 tỷ nơ-ron thần kinh (khi mới sinh ra), tương đương với khoảng 74.000 máy tính Pentum III, được kết nối với nhau và cùng hoạt động  (được gọi là phần cứng). Các nhà khoa học nổi tiếng như: Nhà vật lý Albert Einstein, đại thi hào Goethe, đại danh họa Leonardo da Vinci và nhà soạn nhạc danh tiếng Beethoven đều là những thiên tài vĩ đại nhất qua mọi thời đại trong các lĩnh vực của mình. Nhưng không phải vì họ sở hữu bộ não siêu phàm khác người, mà vì họ nắm bắt được cách thức “cởi trói” cho tiềm năng bộ não. Trong khi một người bình thường sử dụng ít hơn 1% khả năng não bộ trong suốt cuộc đời, thì thiên tài như họ cũng chỉ sử dụng từ 3-5% khả năng ấy. Sự thông minh của mỗi người không nằm ở hệ thần kinh não bộ (phần cứng) mà chính là ở cách mà các nơ-ron của chúng ta được kích hoạt sử dụng (phần mềm). Như vậy, càng có nhiều liên kết nơ-ron trong một khu vực nào đó, chúng ta càng trở nên thông minh hơn, nhạy cảm hơn trong lĩnh vực ấy. Mỗi nơ-ron thần kinh lại có khoảng 5.000 kết nối, nếu thực hiện tất cả các kết nối của nơ-ron thần kinh mỗi người chúng ta sẽ có số kết nối khổng lồ với số 1 đứng đầu và chuỗi số không phía sau dài khoảng 10 triệu km, hay nói khác hơn là sự thông minh của con người là vô hạn. Tuy nhiên các nơ-ron thần kinh sẽ chết rất nhanh nếu không được kích thích sử dụng và rèn luyện, nó cũng giống như cơ bắp của chúng ta sẽ teo đi, nếu không được vận động thường xuyên . Để kích hoạt sự kết nối các nơ-ron thần kinh của trẻ, cần có phương pháp. Như vậy điều quan trọng nhất ở đây chính là cha mẹ và nhà trường sẽ nuôi dạy trẻ thế nào, để phát triển được trí tuệ và năng lực tiềm ẩn của  chúng.

Theo Beniamin Bloom (1913-1999), chuyên gia tâm lý giáo dục, Chủ tịch Hiệp hội giáo dục Mỹ năm 1965-1966 cho rằng khoảng 17 tuổi, bộ não của con người đã phát triển hoàn chỉnh 100%, khi 8 tuổi bộ não đã phát triển được khoảng 80%, khi 4 tuổi đã phát triển được 50%. Theo Tiến sỹ Montessori, đến 3 tuổi con người đã phát triển được 50% bộ não hoàn chỉnh. Một số nhà khoa học và nghiên cứu khác gần đây đưa ra con số về sự phát triển và hoàn thiện của bộ não sớm hơn. Ibuka Masaru, cha đẻ của tập đoàn Sony, một trong những tập đoàn thành công nhất Thế giới,  cho rằng đến 3 tuổi bộ não người đã hoàn thiện 78-80%, năng lực trí tuệ và nền tảng tính cách của con người được quyết định gần như toàn bộ ở giai đoạn từ 0-3 tuổi, và ông gọi là "thời kỳ thích hợp". Điều chung nhất là các nhà tâm lý học, các nhà giáo dục học trên thế giới đều thống nhất: giai đoạn từ 0-6 tuổi là giai đoạn vàng trong giáo dục trẻ em. Theo Andrew Meltzofl – giám đốc của viện khoa học Não bộ và Khả năng học tập của Mỹ, “Trẻ nhỏ học được nhiều thứ trong 5 năm đầu nhiều hơn bất cứ khoảng thời gian nào trong đời”.

  1. Phương pháp giáo dục sớm
  • Các phương pháp giáo dục sớm: Phương pháp giáo dục cho trẻ từ 0-6 tuổi gọi là phương pháp giáo dục sớm. Hiện có rất nhiều phương pháp giáo dục đã được tiếp nhận ở Việt Nam như: phương pháp Carl Wester-Đức,  phương pháp của Phùng Đức Toàn-Trung Quốc,  phương pháp của Shichida Mokoto-Nhật Bản, phương pháp của Glenn Doman-Mỹ, phương pháp của Tiến sỹ Montessori-Ý và nhiều phương pháp khác; Các chương trình giảng dạy đang được bán trên mạng ở Việt Nam như: Signing Time và Baby Signing Time, Your Baby Can Read-TS. Robert Titzer, Tweedle Wink-Right Brain Kids, Brain Baby. Trong đó cần lưu ý, chương trình Your Baby Can Read-TS. Robert Titzer (bé ngoan biết đọc) đã bị Ủy ban bảo vệ người tiêu dùng Mỹ cấm và xử phạt 180 triệu USD.
  • Phương pháp Montessori là phương pháp nuôi dưỡng tình yêu của trẻ em trong học tập và khuyến khích sự độc lập bằng cách cung cấp một môi trường hoạt động và các tài liệu phù hợp để trẻ em có thể sử dụng (học tập) theo cách riêng, với tốc độ riêng của mình. This builds self-confidence, inner discipline, a sense of self-worth and instils positive social behaviour.Điều này giúp trẻ xây dựng sự tự tin, kỷ luật nội tâm, tạo cảm giác về giá trị bản thân và thấm nhuần hành vi xã hội tích cực, giúp các em có động lực để chủ động học tập, phát triển đầy đủ tiềm năng của mình, kể cả sự nhận biết vị trí bản thân trong cộng động, cho ngày hôm nay và tương lai. The approach forms the basis for lifelong learning.Cách tiếp cận này là cơ sở để tạo ra những con người tự tin, độc lập, phát triển toàn diện và cảm nhận cuộc sống với thái độ trân trọng và hạnh phúc, tạo ra ý thức, thói quen học tập suốt đời. Nhiều nước, nhiều học giả trên thế giới coi đó là phương pháp tối ưu dành cho trẻ để “trai thành rồng, gái hóa phượng”.
  • Phương pháp Shichida là phương pháp giáo dục nuôi dưỡng tâm hồn, nuôi dưỡng tình yêu thương đến mọi người, nuôi dưỡng ước mơ, ý chí. Lấy “trí dục”, “đức dục”, “thể dục’ và “thực dục” làm cơ sở, hướng đến việc giáo dục toàn bộ nhân cách và phát triển não phải. Shichida cho rằng, việc giáo dục phát triển não phải không phải chỉ là việc tập trung vào thành tích học tập của trẻ, mà một trong những kết quả thần kỳ của là tất cả trẻ em được phát triển tâm trí một cách nhẹ nhàng và hài hòa, trẻ sẽ biểu lộ sự nhạy cảm đa dạng, về lòng nhân ái, trí tưởng tượng và sự sáng tạo. Nó nuôi dưỡng tình yêu, tạo sự hiệp nhất của các giác quan (thính giác, thị giác, xúc giác ….) và điều quan trọng là sự hợp tác tuyệt vời giữa bố mẹ và các con. Giáo dục sớm và giáo dục phát triển não phải sẽ định hình tương lai của thế giới, bởi  một trong những mục tiêu của giáo dục là để tạo ra một thế giới tốt đẹp hơn. Đây là kết quả tự nhiên của giáo dục phát triển não phải, phương pháp học tập dựa trên tình yêu và sự hợp tác. Ngược lại, “giáo dục phát triển não trái là tạo nên sự đối đầu và cạnh tranh”- Shichida. Shichida là người i khởi xướng phương cách giáo dục sao cho cân bằng giữa não phải và não trái, hiện nay phương pháp giáo dục này đang rất được thịnh hành tại Nhật Bản.
  • Đặc điểm của giáo dục sớm: Đặc điểm cơ bản của giáo dục sớm là nhằm đánh thức năng lực tiềm ẩn và vô hạn của con người, bồi dưỡng nền tảng tính cách ở giai đoạn trí tuệ con người phát triển nhất (bộ não đang phát triển). Bản chất của giáo dục sớm là đem đến cho con trẻ một cuộc sống đầy thú vị, nhưng phải được được kích thích và rèn luyện một cách phù hợp nhằm nâng cao tố chất cơ bản, không nhằm tích lũy kiến thức và nó khác hoàn toàn với giáo dục thông thường. Học của trẻ khác với học của người lớn, trẻ nhỏ học kiểu nhớ nguyên mảng, nhớ từng cái một. Giáo dục sớm cần được thực hiện ngay khi trẻ còn ở trong bụng mẹ, người mẹ là người chủ đạo, người cha cần tham gia với những việc làm tương tự, đơn giản và đúng giờ kết hợp với dinh dưỡng hợp lý (các bạn có thể tham khảo trong kỹ năng giáo dục thai nhi và đọc bài Chờ đến mẫu giáo thì đã muộn”)
  • Nguyên tắc cơ bản của giáo dục sớm: Khi thực hiện giáo dục sớm cho trẻ các bậc cha mẹ cần quán triệt một số nguyên tắc cơ bản như: 1. Không quan niệm giáo dục sớm là để đào tạo thiên tài, để đi học sớm, tốt nghiệp sớm và để tích lũy kiến thức; 2. Phải tạo cho trẻ luôn luôn hào hứng, khơi được niềm đam mê; 3. Luôn tôn trọng và tin tưởng ở trẻ, luôn nói sự thật, trả lời cẩn thận và chân thành; 4. Chỉ dạy khi bạn và trẻ đều khỏe mạnh trong môi trường vui vẻ, thích hợp. Thời gian giảng dạy 2-3 lần một ngày, mỗi lần không nên quá dài phụ thuộc lứa tuổi của trẻ; 5. Dừng dạy trước khi trẻ muốn dừng lại; 6. Thường xuyên giới thiệu hình ảnh mới, tài liệu mới; 7. Có sắp xếp và nhất quán trong cách dạy ở trường Mầm non và ở gia đình, thống nhất cách dạy của mọi người trong nhà (hướng dẫn cả ông bà và  người giúp việc (nếu có) ; 8. Phải luôn coi cuộc sống là một trường học, dạy các cháu trong cuộc sống hàng ngày; 9. Trong giảng dạy không kiểm tra, không chê cười con bạn khi sai; 10. Chuẩn bị giáo cụ cẩn thận và chu đáo.

2.1. Nắm bắt thời kỳ mẫn cảm của các giác quan ở trẻ

Giai đoạn mẫn cảm của trẻ là giai đoạn rất đặc biệt, giúp trẻ hứng thú với sự vật hay hoạt động, có khả năng nắm bắt hoạt động hay nhận biết sự vật một cách nhanh chóng, giống như luồng  ánh sáng thôi thúc trẻ tiếp cận  thế giới bên ngoài dường như không biết mệt mỏi, giúp trẻ học một cách dễ dàng. Các nhà tâm lý học cho rằng đây là các giai đoạn thích hợp nhất để giáo dục trẻ.

  • Phát triển vị giác

Vị giác của trẻ được hình thành từ trong thai nhi, sau khi sinh rất nhạy bén, mọi thứ ta đưa trẻ đều cho vào miệng. Sử dụng vị giác  là giai đoạn đầu tiên  trẻ nhận biết sự vật và tìm hiểu thế giới bên ngoài. Đây là giai đoạn các bậc cha mẹ cần chú ý, không đưa cho trẻ những vật quá nhỏ vụn, cho trẻ chơi những đồ chơi an toàn và có thể cho vào miệng được. Cho trẻ uống các loại hoa quả và các vị khác nhau (theo nguyên tắc làm gì nói vậy). Cùng trẻ chơi trò chơi vị giác như thử các vị nước khác nhau như, nước chanh, nước cam, nước nho, nước táo… vị chua, mặn, ngọt…từ vừa đến rất (chua, mặn ngọt…). Giai đoạn này kéo dài đến khi trẻ được 1-1,5 tuổi, sau 1,5 tuổi những hiện tượng mút tay, mút cắn đồ vật sẽ giảm nhiều, vì khi đó trẻ tìm hiểu thế giới bên ngoài bằng các giác quan khác như xúc giác.

  • Phát triển thính giác cho trẻ

Giai đoạn từ 0-2 tuổi là giai đoạn mẫn cảm để phát triển thính giác, trong giai đoạn này nếu rèn luyện thính giác cho trẻ sẽ thu được hiệu quả cao. 12 giờ sau khi sinh ra, trẻ đã có thể phản ứng lại âm thanh; tới 3 tháng tuổi, trẻ đã có biểu cảm trên mặt như trợn mắt, nhíu mày, há miệng, khoa chân tay hoặc phát ra âm thanh khi nghe thấy âm thanh; tới 4 tháng tuổi đã có thể nghe người lớn nói một cách rất vui vẻ, thích thú. Các bậc cha mẹ nên thực hiện nguyên tắc: làm gì nói vậy với ngôn ngữ chính xác, rõ ràng, nói theo câu hoàn chỉnh, không nói nhịu; Tạo môi trường âm thanh phù hợp trong phòng ở như không quá yên tĩnh, không quá ồn ào. Cho trẻ chơi trò chơi thính giác: Trò chơi nhắm mắt nghe  tiếng động, có đĩa ghi tiếng chim hót, tiếng nước chảy, mưa rơi, còi xe ô tô, xe máy, tiếng kéo ghế… mỗi lần cho trẻ nghe 30 giây, mỗi ngày 2-3 lần,  sau đó mở mắt hỏi trẻ xem nghe thấy những tiếng gì; nhạc Baroque rất tốt cho trẻ, có thể nghe tương đối thường xuyên; cùng với con chơi trò chơi thính giác (mẹ và con có 2 bộ nhạc cụ giống nhau, ngồi quay lưng vào nhau-mẹ đánh nhạc cụ nào, con nghe và đánh theo đúng nhạc cụ đó như: trống, chuông, còi, thìa inox…mục đích để trẻ phân biệt được các loại âm thanh khác nhau); chơi trò chơi giữ yên lặng - cho trẻ tập giữ yên lặng để có thể nghe được tiếng đồng hồ treo trên tường chạy (trò chơi này trẻ thường rất hứng thú). Những âm thanh từ thiên nhiên rất có ích cho trẻ. Không cho trẻ đeo tai nghe vì dễ ảnh hưởng đến thính lực.

  • Phát triển thị giác cho trẻ

Thị giác là giác quan quan trọng nhất để con người nhận biết thế giới xung quanh. Thị giác của trẻ về cơ bản đã phát triển khi còn nằm trong bụng mẹ. Trẻ 1 tháng tuổi đã có thể nhìn vật thể cách khoảng 20cm; 2 tháng tuổi có thể điều tiết thị lực theo khoảng cách của vật thể; 3 tháng tuổi có thể điều chỉnh ánh mắt từ vật thể này sang vật thể khác và có thể nhận biết được ba màu sắc đỏ, vàng và xanh; đến khoảng 1 tuổi có thể phân biệt được bốn màu  đỏ, vàng, xanh và xanh lá cây. Từ 0-5 tuổi là giai mẫn cảm để phát triển thị giác, các bậc cha mẹ cần nắm để luyện tập thích hợp thúc đẩy sự phát triển về khả năng tập trung, khả năng quan sát, phân biệt và năng lực thị giác của trẻ. Cha mẹ nên treo một vài đồ vật xung quanh giường trẻ trong phạm vi trẻ nhìn thấy được. Đối với trẻ ba tháng tuổi nên treo cách mắt trẻ khoảng 60cm, không nên treo chính diện mà nên treo chếch sang trái, sang phải một chút và phải thay đổi vị trí để tránh trẻ bị lác mắt. Chọn những đồ vật có màu sắc đẹp, số lượng màu sắc không quá nhiều như đã nêu ở trên; Bố trí môi trường kích thích hợp lý; Định hướng cho trẻ dùng mắt quan sát khi mặc quần áo có màu sắc (theo nguyên tắc làm gì nói vậy); Cùng trẻ chơi trò chơi thị giác: Để phân biệt màu sắc, đồ chơi là hình tròn với màu sắc khác nhau; Để phân biệt hình dạng, đồ chơi cùng có màu xanh lam nhưng dày, mỏng, dài ngắn, thể tích to, nhỏ khác nhau, có thể sử dụng bánh bích quy hình động vật và một số hình ảnh.

  • Phát triển xúc giác cho trẻ

Con người sinh ra có hai thứ quý giá nhất là bàn tay và khối óc, dùng cả tay và não mới thật sự là người tuyệt vời. Theo bà Montessori, bàn tay chính là thầy giáo tốt nhất cho trẻ. Bắt đầu từ tháng thứ 3 trẻ đã qua xúc giác để tìm hiểu thế giới xung quanh. Sau 1 tuổi tìm hiểu qua miệng bắt đầu giảm dần, qua tay tăng lên, từ 1-2 tuổi là giai đoạn xúc giác phát triển nhanh nhất. Trong giai đoạn này trẻ hay ném đập đồ vật, vì vậy cha mẹ nên định hướng cho con, tạo môi trường khám phá an toàn cùng với những đồ vật giúp trẻ thỏa mãn nhu cầu tìm hiểu. Cùng trẻ chơi trờ chơi nhắm mắt sờ đồ vật: Chất liệu vải, hạt: vải sợi gai, vải bạt, vải lụa, vải sợi hóa học, vải nilon, da thuộc, cát, đất sét, bột mỳ; các tấm xúc giác như: tấm gỗ thô ráp, láng mịn: “thô ráp”, “rất ráp”, “nhức tay” – “láng mịn” “trơn bóng”. Trò chơi cảm giác về nhiệt độ: cốc nước nóng, hơi nóng, không nóng, lạnh… Trò chơi cảm giác về trọng lượng:  những tấm gỗ có cùng kích thức 6 x 8 x 0,5cm, nhưng độ nặng khác nhau: 12g, 18g, 24g … Cùng chơi với con, chơi không chỉ giúp trẻ nâng cao nguồn cảm hứng mà còn giúp trẻ thúc đẩy chức năng của cơ quan xúc giác

2.2. Nắm bắt thời kỳ mẫn cảm của ngôn ngữ ở trẻ

Đạt được khả năng ngôn ngữ và vận dụng khả năng ấy là một trong những biểu hiện sự phát triển trí tuệ ở trẻ nhỏ và nó còn tạo cơ sở cho các mối quan hệ xã hội sau này. Theo bà Maria Montessori, thời kỳ nhạy cảm ngôn ngữ ở trẻ là từ sau khi sinh hai tháng đến khi trẻ 8 tuổi. Học thêm một ngôn ngữ với người lớn không dễ dàng, nhưng với trẻ ở giai đoạn này lại không khó khăn, trong cùng một giai đoạn trẻ nhỏ có thể học được vài ngôn ngữ khác nhau. Giai đoạn 1-2 tuổi là thời kỳ ngôn ngữ truyền miệng ở trẻ phát triển nhanh chóng, đòi hỏi cha mẹ phải tạo cho trẻ những kích thích ngôn ngữ phù hợp, dùng nhiều loại ngôn ngữ để khơi gợi, tạo cho bé một môi trường học tập ngôn ngữ thật lý tưởng. a) Cha mẹ cần nói chuyện cùng trẻ nhiều hơn (theo nguyên tắc đã nêu trong phần phát triển thính giác), đối với những ngôn ngữ trừu tượng nên kết hợp với động tác và hình ảnh; b) Cha mẹ nên đưa ra những yêu cầu phức tạp (sai đi lấy đồ vật trong nhà) khi trẻ khoảng 1,5 tuổi; c) Không cười nhạo khi trẻ nói sai, không tập trung vào những nhược điểm về ngôn ngữ của trẻ; d) Cha mẹ cùng trẻ hát những bài hát thiếu nhi, đọc những bài thơ ca đồng dao (nhiều bài tác dụng rất tốt cho phát triển ngôn ngữ); e) Để trẻ chơi đồ chơi và khuyến khích trẻ nói và mô tả những trò chơi, tao điều kiện để trẻ giao tiếp với nhiều người và cởi mở trong giao tiếp. Giai đoạn 3-4 tuổi nhiều trẻ vẫn còn nói ngọng, nếu trên 5 tuổi mà trẻ còn nói ngọng thì cần tìm hiểu nguyên nhân. Nếu không có gì đặc biệt do cơ thể, thì cần tăng cường luyện tập, kiên nhẫn làm mẫu và giảng giải, yêu cầu trẻ phát âm chính xác và tăng cường khuyến khích trẻ luyện tập. Khi trẻ độc thoại, cha mẹ không nên can thiệp vì đó là chuyện bình thường ở trẻ. Kể từ khi còn nhỏ cha mẹ cần dạy trẻ lắng nghe người khác nói chuyện, vì trẻ thường nghĩ gì làm vậy, ít để tâm đến việc người khác đang làm gì, nghĩ gì, khi trẻ hiểu lời người khác mới có thể tham gia đối thoại một cách thuận lợi.

2.3. Nắm bắt thời kỳ nhạy cảm của động tác ở trẻ

Sau khi sinh ra đến 4 tuổi trẻ rất thích hoạt động. Theo TS. Maria Montessori, nếu trong giai đoạn này thuần thục một động tác nào đó, sẽ giúp ích cho sự phát triển bình thường của thần kinh và cơ thể, ảnh hưởng tích cực đối với việc hình thành nhân cách ở trẻ nhỏ. Thông thường trẻ thích bò, rồi thích đi bộ, thích cầm nắm các đồ vật, khoảng 4 tuổi trẻ thích nhắm mắt dùng tay sờ mó nhận biết các đồ vật, các động tác dần trở nên nhuần nhuyễn, sẽ giúp trẻ phát triển cân bằng  não trái và não phải. Ngược lại trẻ thiếu vận động sẽ dẫn tới  tình trạng thiếu tự tin và cảm giác không thỏa mãn trong tinh thần trẻ.

Sau một tuổi trẻ bắt đầu tập đi, cha mẹ cần tạo môi trường thuận lợi để bé luyện tập, nhắc nhở con chú ý những vật cản dưới chân, nếu trẻ hay bị ngã đau có thể dẫn đến thiếu tự tin và trở nên nhút nhát. Cha mẹ nên rèn luyện cho trẻ sức bền bỉ, dẻo dai và sự khéo léo; rèn luyện để trẻ tự giác đi bộ. Từ 1,5 đến 3 tuổi trẻ rất thích được làm việc, cha mẹ nên tạo điều kiện để trẻ được được làm việc như sai lấy, cất đồ vật; dọn, lau nhà, lau đồ chơi của mình; mặc quần áo, đi giầy dép, chải tóc, tự xúc ăn... nếu thấy cần thiết có thể gợi ý, hướng dẫn nhẹ nhàng một lần đầu. Những việc này đối với trẻ 2-3 tuổi là những hành động “vĩ đại”, cha mẹ và người thân chỉ cần đứng quan sát để trẻ tự mình đạt được thành công. Khi trẻ nhỏ thực hiện mọi loại hoạt động không khỏi gây ra sự mất trật tự và xáo trộn trong nhà, cha mẹ cần để cho trẻ hoàn thành công việc, rồi nhắc trẻ tự thu dọn. Ở thời kỳ 3-4 tuổi trẻ  phát triển chiều cao, trong vòng 1 năm trẻ có thể cao thêm 8 cm, nặng thêm tới 3 kg. So với các bộ phận khác của cơ thể thì phần đầu hơi nhỏ, khiến trẻ trở nên linh hoạt hơn, có thể vận động trong thời gian dài mà không mệt mỏi. Đây là thời kỳ quan trọng để trẻ học các kỹ năng vận động, kể cả những kỹ năng khó, đừng bỏ lỡ thời kỳ quan trọng này. Cha mẹ nên để trẻ tự do tham gia mọi vận động thích hợp, đặc biệt là các hoạt động ngoài trời như vui đùa với các bạn, đi bộ, chơi bóng, leo trèo, chạy bộ, lăn lộn, chạy nhảy, nhảy lò cò, chạy nhanh, vượt chướng ngại vật, bịt mắt để bắt và đoán người…Hãy hướng dẫn con tiến lên, lùi xuống, xoay người, đi khom lưng, đi ưỡn ngực, đi trên dây gần mặt đất, học một  cách đi của vài loài động vật; hướng dẫn con chạy tiến, chạy lùi, chạy rồi lại dừng; hướng dẫn trẻ nhảy xuống bậc, nhảy cao, nhảy lò cò, đồng thời khom lưng nhặt bóng, vượt chướng ngại vật; tập độ khéo léo với quả bóng. Khả năng phối hợp giữa tay và mắt của trẻ thông thường là tốt, tuy nhiên điều này đôi khi không phải ở một số trẻ, khi trẻ ngoài 3 tuổi, nếu cha mẹ thấy sự phối hợp này không tốt  cần có sự quan tâm hơn. Cha mẹ luôn cần sự kiên nhẫn tìm cách nâng cao cảm hứng đối với vận động ở trẻ, đặc biệt không được thúc ép những trẻ nhút nhát. Kĩ năng vận động của trẻ có được là do trẻ tham gia các hoạt động,  thông qua nỗ lực của bản thân trẻ mới có thể trưởng thành, sự bao dung của cha mẹ sẽ rất có lợi cho việc nâng cao năng lực hoàn thành công việc, năng lực phán đoán và tư duy độc lập ở các bé (xin xem clip trong trang Web của trường về rèn luyện độ khoé léo ở trẻ trong website: http://www.jis.edu.vn )

2.4. Nắm bắt thời kỳ mẫn cảm của tính trật tự ở trẻ

Thời kỳ nhạy cảm của tính trật tự có ý nghĩa quan trọng trong quá trình hình thành nhân cách của trẻ. Montessori nói “Trật tự là một điều cần thiết của cuộc sống con người, khi nó đầy đủ  con người mới có được sự vui vẻ  đúng đắn”. Thời kỳ nhạy cảm của tính trật tự bắt đầu xuất hiện từ năm trẻ 2 tuổi đến 4 tuổi. Tính nhạy cảm về trật tự ở trẻ là khả năng kì diệu mà tạo hóa đã ban tặng, nếu môi trường  đang sống ngăn cản điều này, trẻ sẽ có biểu hiện lo lắng bất an, có khi nổi cáu. Khi cảm giác trật tự được hình thành, nó sẽ chuyển hóa thành phẩm chất và được thể hiện ở mọi mặt của cuộc sống. Khi trật tự trở thành thói quen, rồi trở thành hành động tự nhiên, hành động tự nhiên sẽ trở thành nhân cách và tố chất của trẻ. Tất cả đều bắt đầu khi trẻ bước vào lứa tuổi mầm non, chính thời kỳ mẫn cảm của trẻ đã tạo nên tố chất và phẩm chất cơ bản của một con người. Vì vậy các bậc cha mẹ cần quan tâm rèn luyện thói quen trật tự, ngăn nắp; không nên đảo lộn trật tự xung quanh trẻ, thỏa mãn cảm giác trật tự ở trẻ và tạo cho trẻ một môi trường trật tự và định hướng cho trẻ tính trật tự như tự thu dọn, sắp xếp đồ dùng, đồ chơi, bố trí không gian; bồi dưỡng cho trẻ nhỏ cảm giác tốt về tính trật tự vào lúc thích hợp, để trẻ tiếp xúc với nhiều loại môi trường khác nhau, tạo cho trẻ hình thành ý thức kỷ luật càng sớm càng tốt. Theo bà Montessori, trẻ sau 2 tuổi cần thiết phải sống cuộc sống tập thể, cha mẹ nên để trẻ chơi trò chơi tìm đồ vật, quan tâm đến sự trưởng thành trong tâm hồn trẻ để động viên và chia sẻ kịp thời. Cha mẹ cần bồi dưỡng cho con những thói quen tốt trong cuộc sống như ngủ sớm, dạy sớm, rửa tay bằng xà phòng sau khi đi vệ sinh, trước và sau khi ăn, lấy đồ ở đâu phải nhớ đặt vào chỗ cũ, ở trường học biết xếp hàng, tôn trong quy tắc của các trò chơi, biết nhường nhịn, thói quen cư xử tốt. Khi yêu cầu trẻ cần phải rõ ràng, kiên nhẫn, không tạo áp lực tâm lý, không vội vàng và cần khoan dung trước những thói quen không tốt của trẻ.

2.5. Nắm bắt thời kỳ mẫn cảm của việc đọc viết ở trẻ

Bà Montessori cho rằng, khoảng 3-4 tuổi là giai đoạn trẻ thường hứng thú với hình học, đặc biệt là hình học ba chiều, đồng thời bùng nổ việc viết lách và vẽ. Trẻ cảm thấy hứng thú khi mỗi chữ viết có hình dạng và âm điệu khác nhau, nên rèn luyện đọc viết cho trẻ giai đoạn này có ý nghĩa quan trọng. Theo kết quả nghiên cứu được công bố ở Nhật Bản, những trẻ nhỏ bắt đầu học chữ từ lúc 5 tuổi, IQ đạt 95, những trẻ học từ lúc 4 tuổi, IQ đạt 120, và những trẻ học từ lúc 3 tuổi, IQ đạt 130 (những nghiên cứu gần đây cho rằng IQ chưa nói lên tất cả năng lực trí tuệ của một người mà thiên về năng lực của não trái). Tuy nhiên các bậc cha mẹ cần chú ý phải thực hiện những nguyên tắc dạy sớm đã được nêu trước đây, chỉ xin nhấn mạnh lại một điều là phải căn cứ vào sự hứng thú của trẻ và không được ép buộc. Tư duy của trẻ nhỏ là tư duy hình tượng và trí nhớ mảng. Vì vậy để trẻ nhớ được và hiểu được cần phải biết chữ cùng với biết sự vật và hiện tượng; hãy làm mẫu biểu thị động từ tương ứng như đi, chạy, đẩy, mở, nhìn, cười, khóc…; có thể dạy chữ thông qua các chò chơi và trong quá trình kể chuyện; nên học các từ đối nghĩa như nóng-lạnh, trái-phải… Đọc sách dành cho trí tuệ cũng giống như việc vận động dành cho sức khỏe, đọc nhiều sách giúp trẻ nâng cao khả năng đọc, mở rộng vốn hiểu biết, khả năng tư duy cũng được phát triển. Để bồi dưỡng thói quen đọc sách, cha mẹ cần tạo bầu không khí và môi trường đọc sách hài hòa cho trẻ như khung cảnh, ánh sáng, nơi để sách, chọn lựa chủ đề sách; khoan dung trước hành động phá hoại lần đầu của trẻ như vẽ bậy, xé sách. Hãy luôn nhớ rằng, so với một môi trường lộn xộn, những cuốn sách bị phá hỏng thì thói quen đọc sách và niềm đam mê đọc sách vẫn quan trọng hơn cả. Tất nhiên cần phải kiên trì dạy trẻ cách yêu quý, bảo vệ và sắp xếp sách; hãy dành thời gian đọc sách cho trẻ và cùng trẻ, hướng dẫn trẻ tìm đáp án trong sách vở để trả lời những câu hỏi mà bé, bạn bè của bé đưa ra hoặc rủ bé cùng đọc sách để tìm câu trả lời. Nhà triết học Kant từng nói: “Tay chính là biểu hiện bên ngoài của đại não”, những hoạt động tinh tế của tay thúc đẩy sự phát triển khả năng tư duy, khả năng khái quát, năng lực phán đoán, khả năng tính toán và cảm xúc. Các hoạt động tinh tế của tay thường ở giai đoạn khoảng 4 tuổi, ở một số trẻ có thể chậm hơn. Cha mẹ cần luyện cho trẻ những động tác tay thật uyển chuyển, khéo léo; rèn cho trẻ cách cầm bút, hãy hướng dẫn trẻ vẽ tự do, nối các điểm, nối để tạo các hình để tạo hứng thú, rồi dạy trẻ mô phỏng cách viết (nên dùng bút chì màu, giấy không quá mỏng, quá trơn, thực hiện từ dễ đến khó), hãy luôn khuyến khích, động viên và không được ép buộc.

2.6. Nắm bắt thời kỳ mẫn cảm với văn hóa ở trẻ

Montessori chỉ ra rằng, niềm hứng thú với việc học văn hóa của trẻ hình thành từ khoảng 3 tuổi đến 6-8 tuổi, thời gian này, trẻ xuất hiện những nhu cầu mãnh liệt muốn tìm tòi và nghiên cứu các sự vật. Theo bà thì giai đoạn này “tâm hồn trẻ giống như một cánh đồng màu mỡ, chuẩn bị tiếp nhận một lượng lớn những hạt giống văn hóa”. Đây là giai đoạn trẻ rất thích mô phỏng và có khả năng mô phỏng những gì chúng thấy từ người lớn. Vì vậy cha mẹ và những người xung quanh  cần phải là tấm gương tốt cho trẻ trong cử chỉ, hành động và lời nói; khuyến khích và giúp trẻ mô phỏng; chú ý và kịp thời chỉnh sửa những hành vi không tốt của trẻ; Khả năng mô phỏng ở trẻ rất tốt, nhưng khả năng phán đoán lại rất kém, nên có những hành vi bắt chước không tốt, vì vậy cần chú ý giúp trẻ phán đoán đúng sai, tốt xấu để tự xây dựng cho bản thân khả năng phán đoán. Để bồi dưỡng trí thông minh âm nhạc , cha mẹ cần quan sát mức độ nhạy cảm của trẻ đối với âm thanh; sự hứng thú của trẻ với âm nhạc; có thể mời thầy giáo chuyên môn để kiểm tra tài năng âm nhạc của trẻ; và có thể bồi dưỡng năng khiếu âm nhạc tùy theo độ tuổi như, 0-2 tuổi phù hợp bồi dưỡng khả năng lĩnh hội và cảm thụ âm nhạc; 2-3 tuổi là thời kỳ củng cố và phát triển, bồi dưỡng cảm giác với tiết tấu; 3-4 tuổi là thời kỳ quan trọng bồi dưỡng năng khiếu âm nhạc như, diễn tấu đàn dương cầm, violon…; nếu từ nhỏ trẻ đã được đắm chìm trong âm nhạc thì khoảng 4-5 tuổi đã có thể biểu hiện tài năng âm nhạc. Hội họa là một phương diện quan trong trong giáo dục tố chất cho trẻ, ở 4-5 tuổi trẻ đã bắt đầu nhạy cảm với hội họa. Cha mẹ nên bảo vệ niềm hứng thú của trẻ đối với hội họa, tạo cho trẻ một không gian tự do, thỏa sức phát huy trí tưởng tượng và vẽ theo ý muốn của mình, khuyến khích khen ngợi trẻ vẽ, nên đưa các bé đến viện bảo tàng, triển lãm nghệ thuật… để có thể nâng cao niềm hứng thú với hội họa, đồng thời giúp trẻ mở rộng tầm mắt. Khi có một nền tảng hội họa nhất định, có thể cho trẻ tham gia một số cuộc thi và giao lưu hội họa. Luôn nhớ rằng ở phương Tây, hội họa được xem là “khoa học không có lỗi sai” và việc trẻ vẽ tranh là “hoạt động tự chủ và thực thụ nhất”. Bồi dưỡng cho trẻ thói quen tìm tòi nghiên cứu bằng cách cho phép trẻ được tự do khám phá trong cuộc sống, động viên trẻ mạnh dạn khám phá, cần giải đáp các câu hỏi của trẻ một cách đơn giản, rõ ràng, chính xác và sinh động để giúp trẻ hiểu; cho trẻ tiếp xúc với thiên nhiên, xã hội nhiều hơn và để trẻ thử sức mạo hiểm. 3-4 tuổi là thời kỳ quan trọng để phát triển năng khiếu số học ở trẻ, cha mẹ nên hướng dẫn trẻ nhận biết số; trẻ chừng 3-4 tuổi có thể nắm bắt được đến số 5, trẻ 4-5 tuổi có thể nắm đến số 10 và 5-6 tuổi có thể nắm bắt được đến số 20; đồng thời dạy trẻ cách đo lường với thời gian, độ dài, độ cao, trọng lượng; để trẻ hiểu được việc đo đếm và cảm giác về không gian như hình dáng, kích cỡ to, nhỏ, phương hướng; dạy trẻ học phân số, ví dụ như phân chia đồ ăn, bánh…; dạy trẻ học được cách ước tính như nhiều-ít, lớn-nhỏ; rèn luyện phân loại như rau, hải sản, thịt và sắp xếp thứ tự như ông, bà, cha, mẹ…Từ nhỏ trẻ đã có một mĩ cảm nhất định, để bồi dưỡng thẩm mĩ cho trẻ, cha mẹ cần truyền thụ cho trẻ những kiến thức về cái đẹp, để trẻ hình thành ý thức thẩm mĩ , dần dần giúp trẻ hoàn thiện kết cấu của tâm lí thẩm mĩ, biểu hiện ở hai mặt: khả năng cảm nhận cái đẹp và khả năng sáng tạo cái đẹp. Dạy về cái đẹp chính là một bộ phận cấu thành quan trọng của giáo dục tố chất toàn diện. Nuôi dạy trẻ nhỏ nên cho trẻ phát triển toàn diện những mặt đức, trí, thể mĩ, đây mới là sự giáo dục hoàn chỉnh.

Bản chất của giáo dục sớm không phải để tạo ra thần đồng, mà là đem đến cho con trẻ một cuộc sống đầy thú vị. Vì vậy tất cả các nhà giáo dục sớm đều khuyên rằng, việc “tâng” một đứa trẻ có trí tuệ phát triển nhanh là thần đồng, hay khoe con mình là giỏi giang với mọi người là điều nên tránh vì nó vô cùng nguy hiểm cho sự phát triển của trẻ. Mong các bậc cha mẹ nhớ rằng, một đứa trẻ hiểu biết nhiều hơn có nghĩa là cha mẹ sẽ phải vất vả hơn nhiều lần để tiếp tục tạo cho trẻ môi trường kích thích nhiều hơn để trẻ không bị nhàm chán. Nghĩa là, trẻ hiểu biết nhiều hơn, phát triển nhanh hơn những trẻ khác cùng trang lứa thì cha mẹ và nhà trường cũng phải dày công để làm sao luôn lấp đầy sự ham muốn, để giúp trẻ duy trì hứng thú và đam mê. Nếu cha mẹ không thực sự thấm nhuần được điều này, trẻ cũng sẽ chỉ là những mầm non “thiên tài” bị chết yểu như biết bao trường hợp từng được tung hô, ca tụng trên báo chí khi trẻ còn nhỏ tuổi.

Kính mời các bậc phụ huynh tham khảo thêm những tổng kết của các bậc tiền bối trên thế giới đã giáo huấn liên quan đến môi trường sống và môi trường giáo dục của trẻ được hưởng: “Những đứa trẻ sống giữa những người phê phán thì học lên án. Những đứa trẻ sống trong bầu không khí thù nghịch thì hay đánh nhau. Những đứa trẻ sống trong sự hãi hùng thì học đuợc thói sợ sệt. Những đứa trẻ sống trong cảnh khó khăn thì học được sự đồng cảm. Những đứa trẻ sống trong bầu không khí đố kỵ thì học có tham vọng. Những đứa trẻ sống trong bầu không khí khoan dung thì học được tính nhẫn nại. Những đứa trẻ sống giữa những nguồn động viên thì học vững lòng tin. Những đứa trẻ sống giữa lời khen tặng đúng lúc thì học đánh giá cao những gì bao quanh chúng. Những đứa trẻ sống trong niềm tự hào thì học được cách phấn đấu. Những đứa trẻ sống trong sự san sẻ thì học tư cách hào hiệp. Những đứa trẻ sống trong sự trung thực và công minh thì học được chân lý và lẽ công bằng. Những đứa trẻ sống trong hạnh phúc thì học được rằng thế giới là nơi tốt đẹp để sống”. Cha mẹ người Việt thường nói “Gần mực thì đen, gần đèn thì rạng”, còn cha mẹ người Do Thái thì dạy con rằng: “Chơi với chó sẽ có bọ chét bám vào người”“Nếu con kết giao với người thông thái, con cũng trở thành người thông thái; Nếu con kết giao với một kẻ ngốc, con cũng trở thành kẻ ngốc” và rằng “Bạn bè chân chính giống như cái lều vững chãi, có thể che nắng che mưa cho con người, là vật báu vô giá trong cuộc sống”.

Hệ thống Giáo dục Quốc tế Nhật Bản

Có thể bạn quan tâm

Liên kết với chúng tôi

Zalo Facebook
Liên hệ
text_backtohome