Giáo dục rốt cuộc là vì cái gì?
“Xin hãy giúp đỡ học sinh lớn lên trở thành người có nhân tính thực sự, chỉ có trong tình huống đó thì khả năng đọc-viết-tính toán mới có giá trị.” Đó là lời thỉnh cầu của Dr. Haim Ginott - Hiệu trưởng một ngôi trường ở Mỹ - người may mắn sống sót tại trại tập trung của Đức Quốc xã nói với giáo viên.
“Mục đích của giáo dục là phải truyền tải hơi thở của cuộc sống, giúp cho con người biết tôn trọng sinh mệnh, hướng thiện, mở rộng tấm lòng, giúp con người tự đánh thức “thiện căn” tốt đẹp sẵn có ở bên trong”. Nhà thơ, nhạc sỹ và nhà dân tộc chủ nghĩa Rabindranath Tagore - người được trao Giải Nobel Văn học năm 1913, trở thành người châu Á đầu tiên đoạt giải Nobel. Ông còn là tác giả của bài Quốc ca Ấn Độ và Bangladeh.
Một nhà giáo dục Nhật Bản từng nói rằng, chúng ta phải đào tạo học sinh để chúng “đối mặt với một đám hoa cúc dại mà cảm xúc dâng trào phấn khích”. Khi một người chứa đầy tình yêu thương đối với cỏ cây, hoa lá thì đối với sinh mệnh con người, anh ta có thể không tôn trọng sao?
Người xưa nói: “Không gì đáng buồn hơn trái tim nguội lạnh”. Một người lạnh nhạt vô tình đối với thế giới bên ngoài là người ích kỷ, không quan tâm đến người khác, không biết hy sinh vì người khác. Nếu như cả một thế hệ, hoặc cả một dân tộc trở nên lạnh lùng, thờ ơ thì dân tộc ấy tương lai sẽ như thế nào đây?
Xã hội loài người thay đổi từng ngày, nhưng có một điều luôn không thay đổi, đó là giá trị về nhân cách con người. Trong giáo dục, không có điều gì quan trọng hơn giáo dục nhân cách. Người có nhân cách tốt là có đạo đức tốt, có nền nếp tác phong chuẩn mực và hiểu biết về đối nhân xử thế, chắc chắn dù ở vị trí công tác nào, họ cũng sẽ là những người thành công. Một người có nhân cách tốt và có kiến thức tốt, thì họ sẽ ở đỉnh cao của sự thành công.
Các Thầy Cô có rất nhiều kiến thức cần truyền dạy, nhưng tất cả các môn học nhằm cung cấp kiến thức và tất cả mọi hoạt động trong nhà trường đều phải có nhiệm vụ giáo dục nhân cách cho học sinh. Để làm được việc đó, các Thầy Cô cần xây dựng chương trình và phương pháp giảng dạy đảm bảo sự kết nối giữa việc xây dựng niềm tin, kỹ năng học tập, phương pháp tư duy, kết quả rèn luyện thể chất và kỹ năng sống trong một môi trường tràn đầy niềm vui; tất cả cán bộ, giáo viên của trường phải là những tấm gương cho học sinh về đạo đức, nền nếp và cách ứng xử, bồi đắp phẩm chất và giá trị nhân văn tốt đẹp cho học sinh; đồng thời, học sinh ngay từ Mầm non phải được rèn luyện thực hành về đạo đức, nền nếp và cách ứng xử trong mọi hoạt động hàng ngày và trong suốt những năm tháng trong nhà trường để trở thành thói quen, từ thói quen trở thành những hành động tự nhiên, từ hành động tự nhiên sẽ biến thành tố chất của mỗi người.
Rất mong nhận được sự quan tâm, nỗ lực và đồng lòng của các Thầy Cô và toàn thể cán bộ nhà trường trong việc tăng cường giáo dục nhân cách cho học sinh JIS.
GS.TS. Đào Xuân Học - Nhà sáng lập Hệ thống Giáo dục Quốc tế Nhật Bản