Sự Khác Biệt Giữa Chương Trình Của Việt Nam và Nhật Bản
1. Đánh giá chung về nội dung, chương trình Toán của Việt Nam và Nhật Bản
Giữa hai chương trình Việt Nam và Nhật Bản, nội dung kiến thức môn Toán của toàn cấp học nhìn chung có sự tương đồng về chuẩn kiến thức và kỹ năng. Tuy nhiên, chương trình Toán Nhật Bản học sớm hơn, tổng hợp hơn, sâu hơn và xuyên suốt quá trình học tập, được nhắc đi nhắc lại theo vòng tròn đồng tâm và sâu dần theo từng lớp và từng cấp. Điều khác biệt quan trọng về quan điểm dạy Toán ở Nhật Bản là giúp học sinh tăng cường suy nghĩ một cách logic để phát triển trí tuệ, chứ không đơn thuần là dạy cách tìm ra kết quả nhanh nhất một cách máy móc. So với chương trình và sách giáo khoa Việt Nam các quan điểm, cách tiếp cận trong chương trình và sách giáo khoa của Nhật Bản rất rõ ràng, ngắn gọn và dễ hiểu.
1/ Cách tiếp cận: Tất cả đều từ trực quan sinh động, thực tế cuộc sống, rồi mới dẫn dắt đến lý thuyết và sau đó là thực hành (làm thủ công). Những kiến thức mới đều được dẫn dắt từ trực quan, phân tích, tổng hợp, giải quyết vấn đề một cách triệt để; đặc biệt học sinh được gợi mở để tự tìm cách giải quyết các vấn đề, tự tìm tòi lĩnh hội kiến thức mới một cách chủ động, sáng tạo… trên cơ sở đó, tự mình kiến tạo tri thức mới. Điều này giúp các em hiểu bài ngay tại lớp, ghi nhớ lâu và cảm thấy toán học gần gũi với cuộc sống hàng ngày, có khả năng áp dung toán trong cuộc sống một cách tự nhiên (VD: cách dạy hình tròn ở đầu lớp 3,học toạ độ không gian ở lớp 4, …).
2/ Nội dung chương trình Toán của Nhật Bản được xây dựng sớm hơn theo chiều rộng, được lặp đi lặp lại theo từng lớp và cấp học với sự tiếp nối và chiều sâu kiến thức tăng dầngiúp học sinh dễ nhớ, nhớ lâu và hiểu biết sâu rộng hơn sau mỗi bài học. Ngoài ra những bài toán thực tế, bài tập thủ cônggiúp học sinh hiểu sâu sắc hơn vấn đề.
Ví dụ: Chương trình bổ sung các kiến thức về hình học không gian như tọa độ của điểm trong mặt phẳng và trong không gian ngay từ lớp 4, đi sâu hơn về các loại hình trụ: Hình trụ tròn, hình trụ đứng, diện tích của các loại hình trụ,…Trong sách giáo khoa Toán lớp 4 , học sinh được dạy về sự thay đổi thời gian trên cùng một đồng hồ khi thay đổi vị trí của đồng hồ làm nền tảng để sau này các em có thể dễ dàng hiểu về sự chênh lệch thời gian giữa các quốc gia, các múi giờ, làm cơ sở để các em có kỹ năng hội nhập toàn cầu.Ngoài ra học sinh được học thêm về đơn vị đo tốc độ km/h, m/phút, m/giây, cách làm tròn số,…những điều mà trong chương trình của Việt Nam học sinh lớp 7 mới được học.
Phần hình học phẳng, chương trình của Nhật Bản mở rộng hơn của Việt Nam.Các nội dung hình đa giác đều, các hình bằng nhau,hình phóng to và thu nhỏ, hình đồng dạng, hình đối xứng, (đối xứng trục, đối xứng tâm)đều được học từ cấp Tiểu học và được nhắc lại sâu hơn ở các cấp sau, trong khi ở Việt Nam phải tới Trung học Cơ sởvà Trung học Phổ thông mới học. Điều đó giúp học sinh phát triển trí tưởng tượng, quan sát tổng thể, bao quát, tổng hợp ngay từ khi còn nhỏ và do được nhắc đi nhắc lại sâu dần nên giúp học sinh ghi nhớ một cách sâu sắc.
Chương trình của Nhật Bản có những tiết học về ghép hình, học sinh được tự mình tham gia vào các hoạt động này, giúp cho các em có khả năng tưởng tượng, sáng tạo tốt hơn.
3/Cách biên soạn mang tính chuẩn hóa cao về nội dung và tính thực tiễn, các đơn vị kiến thức được sắp xếp khoa học, logic; Kênh hình sinh động, phong phú, gần gũi.
Kênh chữ ngắn gọn dễ hiểu; nội dung chủ yếu là sự gợi ý về phương pháp học tập giúp học sinh tiếp cận thông tin một cách dễ dàng, tự chiếm lĩnh kiến thức với tất cả sự hứng thú được trải nghiệm và tự khám phá,…Đặc biệt “Góc sổ tay toán học” trong SGK ở từng lớp rèn cho học sinh có cách học, nếp học chủ động, phương pháp ghi nhớ, so sánh,diễn đạt…được hình thành từ sớm.
4/Kỹ năng: Chương trình Toán Nhật Bản rất chú trọng việc hình thành những kỹ năng cần thiết trong cuộc sống ngay từ những lớp đầu cấp Tiểu học ngoài những kỹ năng giải toán cơ bản của chương trình. Tuy nhiên các kỹ năng không máy móc để nhằm tìm kết quả một bài toán, mà giúp các em tăng cường suy nghĩ logic để phát triển trí tuệ.
VD: Kỹ năng đếm nhanh nhóm đồ vật bằng cách đếm cách 2, đếm cách 5; So sánh độ dài của 2 vật trong trường hợp không có thước hoặc đơn vị chuẩn; So sánh sức chứa của 2 vật bằng các cách đơn giản trong cuộc sống; Kỹ năng tính nhanh, tính nhẩm, kỹ năng làm tròn và tách số được vận dụng trong việc tính toán trong thực tiễn cuộc sống; Kỹ năng quan sát tổng thể, bao quát, tổng hợp, kỹ năng hội nhập toàn cầu; Kỹ năng vẽ hình; ghép hình, phát triển khả năng tưởng tượng của học sinh thông qua những bài học gắn với nội dung hình học trong thực tế, thuận lợi việc học tập các bài toán tích phân sau này.
2. Đánh giá chung về nội dung, chương trình môn Giáo dục đạo đức của Việt Nam và Nhật Bản
Nội dung kiến thức Đạo đức của chương trình Nhật Bản nhìn chung có sự tương đồng so với chương trình Việt Nam, phù hợp với văn hoá, phong tục tập quán của người Việt Nam, bao gồm 5 chủ đề xuyên suốt trong toàn cấp học. Tuy nhiên điều khác biệt cơ bản trong chương trình giáo dục đạo đức của Nhật Bản là: Giáo dục đạo đức được thực hiện ngay từ Mầm non và quan trọng nhấtlà các em được thực hành theo tấm gương từ các thầy cô giáo trong các hoạt động hàng ngày về các quy tắc ứng xử, nề nếp một cách rất kỹ lưỡng; Tất cả các môn học đều có nhiệm vụ giáo dục đạo đức và diễn ra trong mọi hoạt động hàng ngày chứ không chỉ nằm trong sách vở, không phải học thuộc lòng, mà được chú trọng rèn luyện thực hành hàng ngày để hình thành những thói quen , từ thói quen trở thành những hành động tự nhiên, từ những hành động tự nhiên biến thành tố chất của mỗi con người (VD: Giờ ăn trưa của học sinh cũng là một tiết học, nơi trẻ em được dạy tính tự lập;biết vệ sinh cá nhân và vệ sinh tập thể; biết chăm sóc bản thân; biết phục vụ bạn bè và thể hiện lòng biết ơn).Học sinh còn được dạy và rèn luyện: trước khi nói, trước khi hành động cần suy nghĩ phán đoán đối tác của mình sẽ suy nghĩ, sẽ phản ứng thế nào? Hay nói khác hơn là phải đặt mình vào vị trí của người khác trước khi nói và hành động để không làm tổn thương đến người khác.
1/ Cách tiếp cận
Chương trình được xây dựng với chủ trương học sinh là đối tượng trực tiếp kiến tạo tri thức. Thay vì nhận xét các hành vi của người khác như chương trình Việt Nam, chương trình Đạo đức của Nhật tập trung giúp học sinh tự đánh giá hành động của mình và giúp bản thân tự trau dồi học hỏi. Học sinh sẽ tự cảm nhận về chủ đề mình đang học, từ đó có thái độ và cách đối xử đúng đắn với đối tượng giao tiếp.
2/ Nội dung
Mỗi kiến thức, kỹ năng và hành vi đạo đức được học trong các tiết học Đạo đức đều là các kiến thức, kỹ năng và hành vi được yêu cầu trong thực tế cuộc sống . VD: Các em được giáo dục về sự khiêm nhường, về giữ gìn truyền thống, sự hứng thú đối với học tập và công việc, sự an toàn, tiết kiệm năng lượng và về gia đình. Ngoài ra sách giáo khoa còn hướng dẫn thực hành cách cư xử đúng mực với mọi người, bên cạnh các kiến thức về cách chào hỏi, cách dùng từ ngữ, cách ăn cơm, cách pha trà theo truyền thống, học sinh còn được học cảm ơn bằng một số ngôn ngữ khác nhau trên thế giới. Đây là bước đầu tiên để học sinh có thể hội nhập theo định hướng công dân toàn cầu.
Trong chương trình phổ thông các em sẽ được học và thực hành các bài học đạo đức với một chương trình được phân ra làm 4 nhóm liên hệ từ gần đến xa, từ dễ đến khó. Nhóm 1 là những hành vi liên quan đến bản thân, nhóm 2 là những hành vi liên quan đến người khác, nhóm 3 là những hành vi liên quan đến tập thể, xã hội và nhóm 4 là những hành vi liên quan với thế giới tự nhiên và những gì cao đẹp. Học sinh được học đủ cả 4 nhóm này, nhưng ở mỗi độ tuổi khác nhau được học và thực hành với mức độ khác nhau, hình thành cho học sinh các đức tính cần thiết cho bất cứ công việc nào các em có thể làm như: giữ đúng cam kết, cảm nhận sự tuyệt vời khi làm việc, làm đến cùng việc mình đã làm và hiểu được tầm quan trọng của công việc mình và mọi người đang làm.
3/Cách biên soạn
Mỗi cuốn sách giáo khoa Đạo đức được sử dụng trong hai năm học liên tiếp (1 và 2; 3 và 4; 5 và 6). Cuối mỗi bài học, học sinh đều có phần thu hoạch để học sinh tự đánh giá bản thân . Học sinh còn có thể tự đối chiếu với thu hoạch của mình từ năm học trước, từ đó nhận thấy sự thay đổi và hoàn thiện hơn của chính bản thân mình.
4/Chuẩn mực đạo đức
Chương trình Đạo đức Nhật Bản tập trung hình thành những phẩm chất, đạo đức cần thiết trong cuộc sống hiện đại của các em sau này. (VD: Với nhóm 2,3 liên quan đến người khác, tập thể, xã hội, đất nước và nhân loại, học sinh lớp 1 và lớp 2 sẽ được hướng dẫn trực tiếp cảm nhận môi trường sống hiện tại, điều gì các em cảm thấy hài lòng, điều gì thấy cần thay đổi. Học sinh còn được trực tiếp xây dựng bản thiết kế về thành phố nơi em đang ở trong tương lai).
3. Đánh giá chung về nội dung, chương trình các môn Khoa học của Việt Nam và Nhật Bản
Về mặt nội dung, chương trình các môn Khoa học của Việt Nam và Nhật Bản không có những sai khác lớn, nhưng nội dung trong sách của Nhật Bản đều sâu hơn về bản chất, hướng cho học sinh tự tìm tòi, rút ra kết luận của riêng mình và điều đặc biệt nhất là đã hướng học sinh có thói quen tự nghiên cứu từ lớp 3..
Một nội dung giảng dạy lặp đi lặp lại qua nhiều lớp, nhiều cấp, càng lên lớp trên, kiến thức càng sâu hơn, từ đó, giúp học sinh nắm kiến thức một cách có hệ thống và kiến thức không ngừng được củng cố và khó quên. Ở mỗi phần kiến thức, sách giáo khoa đều ghi rõ những điều đã học ở lớp trước và sẽ được học tiếp ở lớp sau.
Không chỉ truyền thụ kiến thức mới, chương trình và sách giáo khoa rất chú trọng việc củng cố và hệ thống hóa. Cuối mỗi cuốn sách đều ghi lại những kiến thức quan trọng nhất trong năm học. Bên cạnh phần kiến thức phổ cập, ở từng phần, sách giáo khoa đều có nội dung nâng cao dành cho (và chỉ dành cho) học sinh khá giỏi và có lòng ham thích với môn học.
Rất coi trọng thực hành và vận dụng kiến thức đã học vào đời sống: từ lớp 2, 3, học sinh đã được học cách khám phá tìm hiểu cuộc sống xung quanh mình như: tìm hiểu về địa phương nơi cư trú và xác định những địa điểm quan trọng trên bản đồ câm; phân biệt các cửa hàng tiện lợi với các siêu thị; cách tổ chức phục vụ của siêu thị nhằm đáp ứng yêu cầu của khách hàng. Khi học về các con vật hoặc cây cối, học sinh đều được thực hành nuôi, trồng, tìm hiểu trong thực tế cuộc sống. Nói chung, các kiến thức đều không bị áp đặt từ chủ quan giáo viên mà học sinh được từng bước nhận ra vấn đề trước khi rút ra kết luận cuối cùng.
Từ lớp 3, học sinh đã được học cách nghiên cứu, tìm hiểu một vấn đề, bước đầu được làm quen với nghiên cứu khoa học. Thông qua những bước tìm hiểu nghiên cứu có hướng dẫn, các em sẽ tự rút ra các kết luận cần thiết trong nội dung chương trình. Không chỉ giúp khắc sâu kiến thức, những thực hành này còn giúp học sinh rèn luyện cách suy nghĩ và phương pháp tư duy khoa học.
Chương trình môn Khoa học lớp 5,6 của Nhật Bản có thêm nội dung về Hóa học. (Trong khi nội dung này ở Việt Nam được bắt đầu dạy từ lớp 8).
Trong chương trình Nhật Bản, học sinh trực tiếp tham gia vào các thí nghiệm để tự mình rút ra các kết luận và giải thích được các hiện tượng trong cuộc sống. Có thể nói tất cả chương trình các môn học đều quan tâm nâng cao năng lực suy nghĩ, sáng tạo của các em hơn là hướng dẫn các em tìm ra những kết quả cụ thể một cách máy móc.
Với chủ trương xuyên suốt trong giáo dục Mầm non và phổ thông là nhằm đào tạo ra những thế hệ công dân có Đức, Trí, Thể, Mỹ, Thực và hướng tới đào tạo những thế hệ công dân toàn cầu,các môn học tạo sự đồng bộ, kết hợp với môn Giáo dục đạo đức để rèn luyện, đào tạo các em trở thành những người có khả năng nắm bắt được bản chất của sự vật, sự việc, có khả năng hợp tác, sự nhạy bén và sắc sảo về trí tuệ, khả năng giao tiếp và thuyết phục, năng lực xử lý và phân tích thông tin, sáng kiến, khởi xướng và sự sáng tạo. Được thụ hưởng chương trình và những cuốn sách giáo khoa như thế, các em sẽ có điều kiện trở thành những người có năng lựclàm chủ cuộc sống, tự nhận thức được vai trò của bản thân, không chỉ hành động vì đất nước mình mà còn vì một thế giới tốt đẹp hơn nữa.
Trường Quốc tế Nhật Bản