Nuôi dạy con ở các nước trên thế giới
“Ai làm chủ giáo dục người đó có thể thay đổi Thế giới” – Gottfried Leibniz. Điều gì đã tạo ra những sự khác biệt về phẩm chất cơ bản của con người ở ba đất nước tiêu biểu như Hoa Kỳ, Nhật Bản và Do Thái? Chắc chắn sự khác biệt đó là do nền giáo dục, giáo dục trong gia đình, ở nhà trường và ngoài xã hội. Từ nhiều đời nay, cha ông ta đã biết tầm quan trọng của giáo dục, bao gồm giáo dục con người, giáo dục nhân cách và tri thức, giáo dục sức khỏe và thẩm mỹ, ngày nay người Nhật còn đưa thêm nội dung giáo dục ẩm thực. Giáo dục không chỉ được thực hiện từ mẫu giáo đến tiểu học - trung học mà cần phải dạy cho trẻ ngay từ thuở lọt lòng. Nhiều nhà giáo dục nói rằng “đến ngày thứ 3 bắt đầu dạy con thì đã chậm mất hai ngày”. Tất cả các quốc gia trên thế giới đều quan tâm và hướng tới một nền giáo dục toàn diện nhằm đào tạo ra những con người có tư cách đạo đức tốt, hiểu biết các nguyên tắc ứng xử, có sức khoẻ và trí tuệ… Tuy nhiên, mỗi quốc gia có những nét khác nhau trong cách dạy dỗ và giáo dục văn hóa trong gia đình, ở nhà trường và ngoài xã hội cho các thế hệ tiếp nối và tất yếu tạo ra những con người có những phẩm chất cơ bản khác nhau mà chúng ta có thể nhận thấy rất rõ nét qua nghiên cứu cách giáo dục của ba quốc gia: Do Thái, Nhật Bản và Hoa Kỳ. Bài viết ngoài nêu tó
Do Thái là một trong những dân tộc ưu tú và xuất sắc trên thế giới, đã sản sinh ra những danh nhân vĩ đại cho nhân loại, rất nhiều doanh nhân thành đạt, quản lý tài chính tốt và người Do Thái cũng thông thạo nhiều ngoại ngữ. Nhiều nhà nghiên cứu giáo dục cho rằng người Do Thái rất coi trọng giáo dục gia đình, rất quan tâm đến thuyết Thai giáo học và Giáo dục sớm. Đặc biệt hơn là điều này đã được lưu truyền lại trong kinh Tohran và kinh Talmudh của người Do Thái từ lâu đời. Với người Do Thái, “Trong cuộc đời con người không có gì quan trọng hơn là được giáo dục từ nhỏ, chúng ta nên tìm mọi cách để trí tuệ, khả năng của trẻ được phát huy tối đa”. Vì vậy, cha mẹ người Do Thái qua nhiều thế hệ luôn coi trọng sự phát triển tiềm năng, bồi dưỡng khả năng thiên phú cho con và cho rằng trẻ từ 0-6 tuổi là thời kỳ đại não phát triển nhanh nhất, trẻ tiếp thu kiến thức nhanh nhất, giáo dục sớm chính là giúp con cái phát triển hết năng lực đang tiềm ẩn, đặt nền tảng vững chắc cho con sau này. Họ luôn dạy con : “Người có trí tuệ là người hạnh phúc, địa vị của học thức còn cao hơn địa vị của Quốc vương”, “Khi nhà cháy con nên đem theo trí tuệ”,… Với người Do Thái, sách vở không chỉ là “kho báu” mà còn chứa đựng nhiều điều bổ ích, nên nó luôn ngọt ngào với tất cả mọi gia đình. Họ rất quan tâm giáo dục ngôn ngữ, nhiều ngoại ngữ, rèn luyện khả năng ghi nhớ cho trẻ từ nhỏ, giải đáp mọi thắc mắc, kích thích trẻ hứng thú học tập và tìm hiểu kiến thức về thế giới xung quanh và giáo dục quản lý tài chính. Gần đây một số nhà nghiên cứu giáo dục cho rằng chính việc học và nói nhiều ngôn ngữ cùng một lúc, sử dụng ngôn ngữ đan xen đã kích hoạt sự kết nối các nơ-ron thần kinh trong não bộ của trẻ em người Do Thái. Xin mời xem bài Nuôi dạy con của người Do Thái
Dân tộc Nhật Bản được cả thế giới khâm phục và ngưỡng mộ không chỉ vì sự phát triển kinh tế thần kỳ trong một thời gian ngắn, mà còn vì nhân cách người Nhật Bản như: Trung thực, khiêm nhường, tế nhị, nổi trội về tinh thần làm việc tập thể, ý thức cộng đồng, tôn trọng mọi người xung quanh, khuôn phép, thận trọng nhưng sáng tạo và hoàn hảo trong công việc. Ngoài ra Nhật Bản còn là dân tộc có tuổi thọ bình quân cao nhất thế giới, mà nguyên nhân chính là chế độ ăn uống khoa học và điều độ. Trẻ em Nhật được giáo dục về đạo đức không chỉ từ gia đình, nhà trường mà còn bởi xã hội. Tất cả các môn học đều có nhiệm vụ giáo dục đạo đức và diễn ra ngay trong các hoạt động hàng ngày chứ không chỉ nằm trong sách vở và càng không chỉ có ở môn Giáo dục công dân. Học sinh từ khi học Mẫu giáo đã được rèn luyện thực hành đạo đức ngay trong các hoạt động hàng ngày như các quy tắc ứng xử, cách chào hỏi, cảm ơn cha mẹ, thầy cô, người trên tuổi và bạn bè. Mỗi buổi sáng, trẻ xếp hàng trong lớp, trân trọng chào giáo viên trước khi bắt đầu ngày mới. Trong quá trình học và chơi, trẻ được hướng dẫn và nhắc nhở sử dụng các lời “cám ơn” và “xin lỗi” trong các tình huống phù hợp. Cha mẹ người Nhật Bản còn có một số nguyên tắc nuôi dạy con như: Thông minh, học giỏi là một điều tốt, nhưng quan trong hơn là cần có nhân cách tốt; Họ rất quan tâm đến môi trường nuôi dạy con cái; không bao giờ hình thành cho trẻ một thói quen xấu; tôn trọng trẻ em, luôn nói sự thật, không nói dối với người khác trước mặt con trẻ; chế độ ăn uống cho con phải cân bằng, không ép con ăn; bữa ăn phải được diễn ra trên ghế ăn và bàn ăn… Hiện nay người Nhật Bản quan tâm đến giáo dục sớm cho trẻ và phương pháp giáo dục từ 0-6 tuổi của Shichida đang được ưa chuộng và phát triển ở Nhật. Đó là phương pháp giáo dục nuôi dưỡng tâm hồn, nuôi dưỡng tình yêu thương đến mọi người, nuôi dưỡng ước mơ, ý chí. Lấy “đức dục”, “trí dục”, “thể dục’ và “thực dục” làm cơ sở, hướng đến việc giáo dục toàn bộ nhân cách và phát triển cân bằng hai bán cầu não. Shichida cho rằng, việc giáo dục phát triển não không phải chỉ là việc tập trung vào thành tích học tập của trẻ, mà một trong những kết quả thần kỳ của giáo dục phát triển não phải, là tất cả trẻ em được phát triển tâm trí một cách nhẹ nhàng và hài hòa, trẻ sẽ biểu lộ sự nhạy cảm đa dạng, về lòng nhân ái, trí tưởng tượng và sự sáng tạo. Nó nuôi dưỡng tình yêu, tạo sự hiệp nhất của các giác quan (thính giác, thị giác, xúc giác ….) và điều quan trọng là sự hợp tác tuyệt vời giữa bố mẹ và các con. Giáo dục sớm và giáo dục phát triển não phải sẽ định hình tương lai của thế giới, bởi vì một trong những mục tiêu của giáo dục là để tạo ra một thế giới tốt đẹp hơn. Đây là kết quả tự nhiên của giáo dục phát triển não phải cùng phương pháp học tập dựa trên tình yêu và sự hợp tác. Ngược lại, “giáo dục phát triển não trái là tạo nên sự đối đầu và cạnh tranh” - Shichida. Gần đây trong nhà trường Nhật Bản, còn quan tâm dạy và rèn luyện cho học sinh trước khi nói, trước khi hành động cần suy nghĩ phán đoán đối tác của mình sẽ suy nghĩ, sẽ phản ứng thế nào? Hay nói khác hơn là phải đặt mình vào vị trí của người khác trước khi nói và hành động để không làm tổn thương đến người khác. Shichida là người khởi xướng phương cách giáo dục cân bằng giữa não phải và não trái, hiện nay phương pháp giáo dục này đang được thịnh hành tại Nhật Bản. Xin mời xem bài Giáo dục Nhật Bản; Nuôi dạy con kiểu Nhật Bản; Đợi đến mẫu giáo thì đã muộn; PP Giáo dục Shichida.
Hầu hết chúng ta biết người Mỹ đều rất tự tin, tự lập, trung thực, dũng cảm, mạnh mẽ và vững vàng làm chủ cuộc đời mình. Cha mẹ người Mỹ quan tâm giáo dục cho con cái ngay từ khi còn nhỏ tính độc lập, tự chủ và tôn trọng tự do cá nhân, vai trò cá nhân, thông qua việc rèn luyện để con ngủ một mình từ khi 6-7 tháng tuổi; tự đứng lên khi vấp ngã; tự mặc quần áo, tự xúc ăn khi còn nhỏ; tham gia cắm trại hè hoặc đi du lịch mà không cần cha mẹ ở bên cạnh; không ngăn cấm con tham gia những trò chơi mạo hiểm; khuyến khích con dũng cảm giành lấy những thứ thuộc về mình; con được quyết định mọi vần đề liên quan đến bản thân và phải tự chịu trách nhiệm về những lựa chọn đó. Họ luôn dạy con rằng, “Trên đời này, con chỉ có thể dựa vào bản thân mình, cho dù là người thân nhất cũng không nên ỷ lại”, đây chính là quan niệm giáo dục của người Mỹ. Họ luôn nhấn mạnh làm người phải độc lập, phải “việc mình mình làm” chỉ có như vậy mới rèn luyện được khả năng sinh tồn, độc lập, không ỷ lại, dựa dẫm vào người khác và trở thành một cá thể độc lập trong xã hội. Để thực hiện được những điều đó họ thường đặt ra những thỏa thuận hợp lý, những nguyên tắc và thảo luận với trẻ; làm mẫu cho con, khuyến khích con mọi lúc, mọi nơi; và nới tay để con tự làm. Cha mẹ người Mỹ yêu con cái nhưng không nuông chiều, ngược lại còn rất nghiêm khắc (thậm chí một số người còn cho là hơi tàn nhẫn) và luôn giữ vững nguyên tắc trong giáo dục trẻ.
Sự khác biệt về phẩm chất cơ bản của con người ở ba đất nước tiêu biểu đó chắc chắn là do giáo dục, giáo dục trong gia đình, ở nhà trường và ngoài xã hội. Nghiên cứu nền giáo dục của các nước, xem cách họ dạy dỗ một đứa trẻ từ khi lọt lòng cho tới khi biết nhận thức và trưởng thành, có thể giúp các bậc cha mẹ thuận lợi hơn trong việc tham khảo, lựa chọn phương pháp dạy con. Chúng tôi xin tóm tắt và chia sẻ phương pháp nuôi dạy con kiểu Nhật Bản, nuôi dạy con của người Do Thái, nuôi dạy con của người Mỹ nhằm giúp các bậc cha mẹ có một cái nhìn rộng hơn với những kiến thức, lượng thông tin về giáo dục sớm cho trẻ, để từ đó cha mẹ tự mình lựa chọn phương pháp nào phù hợp với sở thích và điều kiện của gia đình. Điều quan trọng hơn là bằng việc cha mẹ biết được nhiều kiến thức, trẻ sẽ có cơ hội nhiều hơn được tiếp xúc với những phương pháp học và chơi để phát triển lòng nhân ái, phát huy tính sáng tạo và trí tuệ, để từ trong môi trường kích thích phong phú đó, trẻ sẽ tìm ra được cái mà chúng thích và như thế sẽ có thêm nhiều trẻ em được hạnh phúc, được sống đam mê và sáng tạo.
Những nét đặc trưng, nổi trội khác nhau trong cách dạy dỗ và giáo dục văn hóa trong gia đình, ở nhà trường và ngoài xã hội cho các thế hệ tiếp nối và tất yếu tạo ra những con người có những phẩm chất cơ bản khác nhau như đã nêu ở trên. Ngày nay do sự phát triển của khoa học, công nghệ, quá trình giao lưu văn hóa thường xuyên hơn, các nền giáo dục, các phương pháp giáo dục từ gia đình, đến trường học và ngoài xã hội cũng được xích gần nhau hơn. Chúng tôi cũng xin tóm tắt một số đặc điểm cơ bản chung nhất của các bà mẹ ở những nước này thường sử dụng trong giáo dục con để chúng ta tham khảo, tự so sánh với những nét văn hóa và cách giáo dục của Việt Nam. Chúng tôi tin các bậc cha mẹ sẽ nhận ra và học hỏi được nhiều điều thú vị để cùng với nhà trường và xã hội giáo dục con cái của mình.
- Các bà mẹ ở các nước nêu trên đều yêu thương con, đối xử rất tốt với con theo nhiều cách khác nhau, nhưng đều rất nghiêm khắc và giữ vững nguyên tắc trong nuôi dạy con trẻ. Tuy nhiên, họ đều không quát con to tiếng mà sử dụng những từ ngữ rất tình cảm và không bao giờ nói những điều tiêu cực về con mình, kể cả bé có hư đến thế nào. Họ luôn coi con họ như những người bạn để cùng trò chuyện, giải thích và không áp đặt phải thế này hay phải thế kia.
- Họ luôn rất chu đáo, lịch sự và tôn trọng con mình. Ở những nơi công cộng, bến tàu điện ngầm, siêu thị, trong nhà hàng… nếu lớn tiếng mắng hay phạt con, bạn sẽ nhận được những ánh mắt phản ứng của những người xung quanh như thể bạn đang bạo hành bé vậy.
- Họ không bao giờ cạnh tranh hay dè bỉu nhau chuyện nuôi con mà ngược lại thường xuyên chia sẻ về những điều vụng về của mình. Sự chia sẻ ấy thường nhận được rất nhiều đồng cảm của các bà mẹ khác và do đó, họ không phải gồng mình để trở thành những bà mẹ hoàn hảo.
- Đối xử rất tốt, rất chu đáo và lịch sự với con, nhưng lại rất nguyên tắc trong giáo dục, họ không bao giờ tạo cho trẻ, dù còn rất nhỏ tuổi thói quen “muốn gì được nấy”, nhất là những đòi hỏi vô lí. Họ luôn dạy cho trẻ biết rằng, không phải cứ nhỏ hơn là có quyền được ưu tiên mọi thứ. Các bà mẹ, đặc biệt là mẹ người Đức dạy con từ vựng đầu tiên mà các bé cần thực sự hiểu là từ “không”. Khi nói “không” với bé, mẹ người Đức nói rất nghiêm túc, rõ ràng để bé hiểu được đúng nghĩa của từ này, sau đó giải thích tại sao bé “không” được phép làm. Bé chưa hiểu gì nhiều nhưng từ “không” được lặp đi lặp lại nhiều lần khiến bé sẽ quen, bộ nhớ của trẻ như một cái tủ rỗng, từ “không” là thứ đồ đầu tiên được đặt vào. Do cách dạy dỗ ấy, trẻ em phương Tây chơi chung với bạn rất tự giác và độc lập, chỉ cần nghe mẹ nói “không” là bé tự ý biết mình không được phép làm việc đó. Khi trẻ lớn hơn, chúng bắt đầu hình thành tính cách cá nhân, cần đến sự đàm phán và thương lượng. Họ giải thích lý do tại sao một cách cặn kẽ cho bé, vì dù sao bé cũng cần biết cái vạch giới hạn do bố mẹ đặt ra, tất nhiên điều rất quan trọng là khi mẹ nói “không” thì bố cũng phải đồng tình và ngược lại, vì bé sẽ luôn cầu cứu người thứ ba. Để cho bé biết rằng điều đó được sự nhất trí của bố mẹ thì bố mẹ phải phối hợp ăn ý, khi không cầu cứu ai được nữa bé sẽ hiểu: À, mình “không” được phép làm thật rồi.
- Phương châm của các bậc cha mẹ là làm bạn của trẻ để tìm phương án giải quyết tốt nhất, đừng cho rằng bố mẹ luôn luôn đúng và bắt buộc con phải luôn làm theo ý mình, điều này hoàn toàn sai lầm. Ngược lại để làm bạn với con, bố mẹ cũng phải tôn trọng ý kiến của con cái khi con nói “Không”.
- Họ đều cho rằng, mỗi đứa trẻ phát triển theo cách riêng của chúng, nên họ không đem con mình để so sánh với những trẻ khác hay anh em trong gia đình. Điều này vừa khiến cho bố mẹ phải bận tâm suy nghĩ vừa thể hiện sự bất công đối với trẻ, khiến cho trẻ cảm thấy mình kém cỏi so với bạn bè, anh em và dần dần làm mất niềm tin trong trẻ.
- Họ luôn dạy trẻ học tính tự lập từ rất sớm, ngay từ những việc nhỏ nhất. Khi mẹ làm gì, nên cho bé làm cùng hoặc hướng dẫn cho bé làm, đừng nói: “Con không được sờ vào, để mẹ làm một loáng cho nhanh.” Mẹ làm thì chắc chắn là nhanh gọn hơn, nhưng bé sẽ không học được gì nếu bố mẹ cứ làm hộ mãi. Nên hiểu rằng đó là chúng ta đang dạy bé tính cần cù, chịu khó và sự khéo léo, ví dụ như: Khi nấu cơm hãy cho bé đong gạo, giặt quần áo hãy để bé tự cho quần áo của nó vào máy giặt, dọn nhà hãy đưa cho bé một cái khăn và khoanh vùng, đây là vùng của con, đặc biệt rác phải được bỏ vào thùng rác... Trẻ em có khả năng làm việc không biết mệt mỏi, học rất nhanh và nhớ lâu, chỉ cần hướng dẫn một lần, lần sau bé sẽ nhớ và tự ý thức được việc đó phải làm như thế nào. Những điều đó sẽ rèn luyện sự cần cù, khéo léo và quan sát của trẻ.
- Họ đều dạy trẻ con tiêu tiền sớm, ngược lại với chúng ta nhiều người cho rằng không nên cho trẻ con sớm tiêu tiền, vì đồng tiền thúc giục bản năng xấu xa của con người. Mỗi khi mua cái gì cho bé, mẹ đều đưa tiền cho con trả và nói kèm theo: “Con không được phép mang vật đó ra khỏi cửa hàng mà chưa trả tiền, như thế là không tốt, là phạm pháp.” Sau rất nhiều lần như thế bé sẽ biết phải trả tiền trước khi mang đồ ra ngoài cửa hàng. Phải cho trẻ biết giá của đồ vật ấy là bao nhiêu, có hợp với túi tiền nhà mình không. Không dạy cho trẻ cách “có tiền ta mua được tất cả”, hoặc chúng đòi cái gì cũng mua với ý nghĩ con mình không thể “thua” con hàng xóm. Điều ấy sẽ tạo cho trẻ sớm có tính đua đòi, tồi tệ nhất sẽ dẫn đến ăn cắp. Đặc biệt, người Do Thái còn quan niệm rằng, cho con sớm nhận biết về tiền là cách giúp con sớm hiểu được giá trị của lao động. Với trẻ em Do Thái, 3 tuổi được dạy cách phân biệt tiền và biết giá trị của tiền, 4 tuổi được bố mẹ đưa tiền để cùng mua sắm những đồ đơn giản, đến 5 tuổi đã có thể được giao việc làm để nhận tiền thưởng và nhờ vậy đã hiểu có được tiền là nhờ lao động, nên phải chi tiêu hợp lý. Từ 6-10 tuổi được bố mẹ cho số tiền lớn hơn một chút và học cách quản lý tiền, tài sản, khi trẻ 10 tuổi sẽ có tài khoản riêng. Nhiều gia đình người Do Thái, thường cho con làm việc nhà để nhận thưởng những khoản tiền dù ít từ khi còn rất nhỏ…
- Họ luôn cho rằng, làm cha mẹ tốt không có nghĩa là phải thường xuyên phục dịch con cái của mình. Họ không để mặc con cái nhưng cũng không muốn lúc nào cũng bao bọc con cái, biến chúng thành những con thú nhồi bông. Họ rất chú trọng dạy con tính tự lập khiến trẻ em có kỹ năng phục vụ bản thân từ rất sớm. Như vậy sẽ đỡ mệt mỏi cho bố mẹ, mà lại tốt hơn cho con cái.
- Họ luôn nhiệt tình khi nói chuyện với con từ khi mới sinh ra và dạy chúng nhận biết thế giới xung quanh. Việc rèn luyện cho con có thói quen và đam mê đọc sách được đặc biệt quan tâm ở Israel, trẻ con Do Thái thường chủ động đọc sách từ rất sớm, sách quý được truyền từ đời này sang đời khác, tủ sách thường được đặt đầu giường của con cái (ở Israel cứ 4.500 người có một thư viện với các đầu sách cực kỳ quý giá, cả nước có hơn 1000 thư viện công cộng).
- Họ đều quan tâm đến thuyết Thai giáo học “Thai nhi là thiên tài” và phương pháp giáo dục sớm 0-6 tuổi. Đặc biệt điều này đã được lưu truyền lại trong kinh Torah và kinh Talmud của người Do Thái. Ngày nay việc trò chuyện với thai nhi, vận động nhẹ nhàng, giải toán cho bà bầu,… là các cách không chỉ các bà mẹ người Do Thái mà hầu hết các bà mẹ trên thế giới đã áp dụng để nâng cao khả năng phát triển trí tuệ cho thai nhi. Các nhà khoa học cũng cho rằng con người bình thường mới chỉ sử dụng 1% tiềm năng của não bộ, còn ở các bậc thiên tài như Albert Einstein là 3-5%. Chính vì thế, việc giáo dục thai nhi và giáo dục sớm nhằm tăng khả năng kết nối các nơ-ron thần kinh để phát huy tối đa tiềm năng vô tận của não bộ là cách để tạo ra những thiên tài.
- Trong trường mầm non, có rất nhiều thứ để chơi từ trong nhà ra đến ngoài sân. Ở ngoài sân có bãi cát, xích đu, cầu trượt, dây leo… còn trong nhà có các loại nhạc cụ, đồ chơi, gỗ, gối, gấu bông, búp bê, chăn, chiếu, băng dính, giấy màu… Rất nhiều thứ để chơi, và những loại đồ chơi này đều có đặc điểm chung là giúp trẻ phát triển trí thông minh và khả năng sáng tạo. Ở các nước này dù không phải trường theo phương pháp giáo dục Montessori hầu hết đã áp dụng theo tinh thần giáo dục của Montessori, trẻ sẽ phải suy nghĩ, tìm tòi cách chơi, cách kết hợp những thứ có sẵn trong lớp học hoặc ngoài sân để có được những trò chơi thú vị. Các bé được tự do chơi và làm thứ mình thích, các cô giáo hoàn toàn không can thiệp vào quá trình vui chơi của trẻ, chỉ đứng từ xa quan sát và hỗ trợ khi cần thiết.
- Ở bậc tiểu học, điều các cô giáo quan tâm là phải làm sao để khơi dậy được sự ham học trong trẻ một cách tự nhiên chứ không hề gò ép. Trẻ em rất thích những điều mới lạ, nếu bắt các bé phải ngồi im trong lớp cả ngày thì lớp học sẽ trở thành một cái gì đó rất nhàm chán; ngược lại vừa được nô đùa chạy nhảy thoải mái vừa học là một cái gì đó rất mới, rất hấp dẫn, rất thú vị, nên bé nào cũng háo hức và chăm chú lắng nghe.
- Trẻ em được tham gia nhiều hoạt động dã ngoại, ngoại khóa, nhiều ngày hội thể thao, biểu diễn văn nghệ, tham gia các lễ hội và sự kiện cộng đồng, những buổi giao lưu và các hoạt động triển lãm nghệ thuật khác. Thông qua các hoạt động này chúng được dạy cách để luôn cư xử như những công dân mẫu mực và tự lập trong những hành động nhỏ nhất.
- Ở những nước này người ta quan niệm, giáo dục tiểu học không phải là giáo dục kiến thức mà cần tạo điều kiện phát triển toàn diện cho trẻ, chú trọng việc kết bạn, vận động và những hoạt động ngoại khóa. Nhà trường coi trọng nền tảng làm người, tạo dựng sự tự tin, trung thực, lương thiện, công bằng, bao dung và độc lập tự chủ, cũng có nghĩa là, ngay từ nhỏ, trẻ em đã được học, được rèn luyện những giá trị cơ bản của văn hóa. Hay có thể nói ngắn gọn họ chú trọng giáo dục nhân cách trước rồi mới cung cấp kiến thức vào sau.
- Ngày nay các nhà giáo dục trên thế giới và các bậc cha mẹ ở các nước phát triển đều thống nhất rằng, giai đoạn từ 0-6 tuổi là giai đoạn vàng trong giáo dục (mời xem bài “Giáo dục sớm” và “Đợi đến mẫu giáo thì đã muộn” ), và rằng, “Mọi đứa trẻ khi mới sinh ra đều như nhau, nhưng tại sao lại có trẻ sau này thành những bậc anh tài, trong khi có nhiều trẻ chỉ trở thành những người bình thường, thậm chí là ngu ngốc? Đối với trẻ em, môi trường sống có vai trò tác động rất lớn, điều quan trọng nhất không phải là tài năng thiên phú mà là phương pháp giáo dục và môi trường sống mà chúng được hưởng trong giai đoạn 6 năm đầu đời”. Kính mời các bậc phụ huynh tham khảo thêm những tổng kết của các bậc tiền bối trên thế giới đã giáo huấn liên quan đến môi trường sống và môi trường giáo dục của trẻ được hưởng: “Những đứa trẻ sống giữa những người phê phán thì học lên án; Những đứa trẻ sống trong bầu không khí thù nghịch thì hay đánh nhau; Những đứa trẻ sống trong sự hãi hùng thì học đuợc thói sợ sệt. Những đứa trẻ sống trong cảnh khó khăn thì học được sự đồng cảm; Những đứa trẻ sống trong bầu không khí đố kỵ thì học có tham vọng; Những đứa trẻ sống trong bầu không khí khoan dung thì học được tính nhẫn nại; Những đứa trẻ sống giữa những nguồn động viên thì học vững lòng tin; Những đứa trẻ sống giữa lời khen tặng đúng lúc thì học đánh giá cao những gì quanh chúng; Những đứa trẻ sống trong niềm tự hào thì học được cách phấn đấu; Những đứa trẻ sống trong sự san sẻ thì học tư cách hào hiệp;. Những đứa trẻ sống trong sự trung thực và công minh thì học được chân lý và lẽ công bằng; Những đứa trẻ sống trong hạnh phúc thì học được rằng thế giới là nơi tốt đẹp để sống”. Trong việc chọn người để kết bạn, cha mẹ người Việt Nam thường nói “Gần mực thì đen, gần đèn thì rạng”, còn cha mẹ người Do Thái thì dạy con rằng: “Chơi với chó sẽ có bọ chét bám vào người” và “Nếu con kết giao với người thông thái, con cũng trở thành người thông thái; Nếu con kết giao với một kẻ ngốc, con cũng trở thành kẻ ngốc” và “Bạn bè chân chính giống như cái lều vững chãi, có thể che nắng che mưa cho con người, là vật báu vô giá trong cuộc sống”.
Một đất nước muốn thay đổi trước tiên cần quan tâm đến giáo dục con người, nhất là thế hệ trẻ, thế hệ tương lai của đất nước. Chúng tôi xin giới thiệu tóm tắt phương pháp nuôi dạy con cái ở một số nước để các bậc cha mẹ tiện lợi trong tham khảo với mong muốn cùng nhau xây dựng một xã hội ngày càng tươi đẹp.m tắt sự khác biệt của ba nền giáo dục tiêu biểu, còn tập trung làm rõ những điểm chung nhất trong cách giáo dục con cái trong gia đình mà các bậc phụ huynh chúng ta nên học tập, vì ở đâu đó trên đất nước chúng ta, nhiều bậc cha mẹ vẫn quá ôm ấp con cái, áp đặt đối với con cái và nhiều khi làm mất đi niềm tin của con cái trong học tập và cuộc sống.