Bé lớp một tự tin giao tiếp tiếng Nhật nhờ cách dạy độc đáo này
Trong giờ học môn Cuộc sống, cô Ishikawa Naomi – Giáo viên chủ nhiệm lớp J1-2, Hệ Quốc tế Nhật Bản đã hướng dẫn học sinh tham gia hoạt động xoay quanh chủ đề "Đón mùa đông vui vẻ" như: Hát bài về ông già Noel, vẽ tranh cây thông noel, nhập vai đi chợ mua đồ trang trí cây thông… Qua các hoạt động này, cô giáo đã khéo léo lồng ghép việc dạy tiếng Nhật để các em ghi nhớ tốt hơn.
Mở đầu giờ học, hai em học sinh bắt nhịp cho cả lớp cùng hát bài "Ông già Noel bận rộn". Sau đó cô Naomi treo lên bảng từng bức tranh cây thông mà các em vẽ trong giờ Mĩ thuật trước đó và giới thiệu cách gọi trong tiếng Nhật về những đồ trang trí cho cây thông vào dịp Giáng sinh như hộp quà tặng, mũ ông già Noel, đôi tất, chuông vàng, tuần lộc… Cả lớp chia thành 2 nhóm nhập vai trải nghiệm hoạt động mua bán hàng. "Các em đến mỗi cửa hàng chỉ mua một thứ, không chạy nhảy, mải chơi và luôn nhìn vào mắt nhau khi trao đổi bằng tiếng Nhật", cô Naomi nhắc học sinh trước khi thực hành.
Hoạt động này không chỉ giúp cho các em cảm nhận được sự vui vẻ, háo hức chào đón Giáng sinh đang đến gần mà còn biết quan tâm đến những ngày lễ, sự kiện của đất nước và thế giới và tự tìm ra cách trang trí nhà cửa, lớp học cho phù hợp. Nhìn các em sôi nổi phát biểu cảm tưởng về Lễ Giáng sinh, mong muốn nhận quà của ông già Noel, tập nói từ vựng tiếng Nhật theo cô giáo và say mê nhập vai làm người bán kẻ mua đồ trang trí cho cây thông Noel trao đổi bằng tiếng Nhật, các thầy cô giáo có mặt tại lớp học hào hứng tham gia cùng.
Cô Naomi cho biết, lớp J1-2 bao gồm những bạn học từ bậc mầm non của Trường Quốc tế Nhật Bản (JIS) lên, học sinh từ trường khác đến và có một số bạn mới chuyển vào khi chưa biết tiếng Nhật nên năng lực tiếng Nhật của các con có sự chênh lệch. Vì vậy, cô đã cho cả lớp tập trung học những từ vựng tiếng Nhật thiết thực trong sinh hoạt hàng ngày bằng cách lặp đi lặp lại những từ vựng đó, giúp các con nhớ được, dùng được một cách tự tin và tự nhiên. Ngay cả với những học sinh gặp nhiều khó khăn trong giờ tiếng Nhật khi mới vào trường thì đến nay đã tiến bộ hơn rất nhiều, có thể nói và hiểu được, nhất là sau khi học xong bảng chữ cái Hiragana.
"Để giúp các con lớp 1 có thể hoàn thành được mục tiêu "tai nghe được cái gì thì miệng cũng nhắc lại được cái đó", thêm nữa còn đúng ngữ điệu, cảm xúc thì tôi đã dùng các giáo cụ âm nhạc vào giờ dạy, giúp học sinh thông qua vận động cơ thể có thể lĩnh hội ngôn từ một cách tốt nhất. Vào các tiết chào buổi sáng đầu giờ, các em cũng được yêu cầu làm những bài phát biểu ngắn để tạo thói quen nói được những suy nghĩ của bản thân về những sinh hoạt trong lớp học, những điều gần gũi với các con trong cuộc sống", cô Naomi nói.
Được biết, cô cũng đã áp dụng cách giảng dạy trực quan, gần gũi này trong các giờ học môn khác trước đó. Chẳng hạn, để cảm nhận được sự chuyển mùa bằng "vị giác", cô giáo đã cho cả lớp làm món bánh khoai. Trong môn thủ công, với chủ đề "đi tìm mùa thu", các em đã được làm mặt nạ lá cây từ chính những chiếc lá do các em thu thập trong trường. Ngoài ra, học sinh còn được học bản nhạc "Biển cả" để hiểu thêm về mùa hè. Với cách làm này, giờ học môn Cuộc sống đã được lồng ghép nội dung của nhiều môn học khác nhau như: Mĩ thuật, thủ công, âm nhạc…, giúp các em hiểu bài đầy đủ, phong phú hơn. Thông qua đó cũng giúp học sinh lớp 1 nắm vững được nhiều từ vựng tiếng Nhật để có thể giao tiếp trôi chảy với các thầy cô giáo.
Phương Chi