3 điểm mạnh của mô hình giáo dục Nhật Bản
Thầy cô và học sinh cúi đầu chào trước – sau tiết học, các em tự chia đồ ăn, tự ý thức giữ vệ sinh, tham gia hoạt động ngoại khóa… là những ưu điểm của mô hình giáo dục Nhật Bản.
Áp dụng mô hình giáo dục kiểu Nhật, trường Quốc tế Nhật Bản rèn luyện học sinh cả về mặt kiến thức lẫn xây dựng nhân cách.
Giáo dục đạo đức
Nội dung kiến thức đạo đức của chương trình Nhật Bản có nhiều sự tương đồng với chương trình Việt Nam. Trường xem học sinh là đối tượng trực tiếp kiến tạo tri thức. Thay vì nhận xét hành vi của người khác, học sinh tự đánh giá hành động của bản thân để trau dồi, học hỏi. Học sinh nêu cảm nhận về chủ đề mình đang học, từ đó có thái độ và cách ứng xử đúng đắn trong giao tiếp.
Học sinh được hướng dẫn, rèn luyện các quy tắc ứng xử với mọi người. Kiến thức về chào hỏi, dùng từ, cách đứng, ngồi, ăn cơm, pha trà… không chỉ được dạy lý thuyết mà còn thực hành theo gương các thầy cô giáo mỗi ngày. Từ đó, kiến thức biến thành hành động tự nhiên và nuôi dưỡng tố chất của con người.
Học sinh còn được dạy trước khi nói hay làm cần phán đoán đối tác của mình sẽ suy nghĩ, phản ứng thế nào. Nói khác hơn là phải đặt mình vào vị trí của người khác trước khi nói hay làm để không gây tổn thương họ.
Giáo dục đạo đức không chỉ thực hiện qua các tiết dạy mà xuyên suốt mọi hoạt động. Các lớp học trong trường không có lớp trưởng. Hàng ngày, học sinh lần lượt thay phiên nhau làm các công việc điều hành lớp. Tất cả đều được tham gia các công việc như nhau, có cơ hội bộc lộ và rèn luyện năng lực điều hành công việc chung. Các em có hạn chế về kỹ năng, năng lực sẽ xóa dần mặc cảm và từng bước hòa đồng với tập thể.
Hoạt động xen kẽ trong giờ học
Sau giờ học sáng, trước khi ăn trưa, học sinh làm vệ sinh lớp học, nhặt rác, lau chùi bàn ghế… Cuối ngày học, học sinh có một giờ tham gia các câu lạc bộ thể thao, nghệ thuật.
Hàng tuần, các em sẽ vệ sinh, quét dọn trạm dừng xe buýt gần trường. Trong bữa ăn hàng ngày, các em biết cách thay nhau chia thức ăn và tự thu dọn sau khi ăn xong. Các lễ hội cổ truyền của Việt Nam, Nhật Bản và trên thế giới, ngày hội thể thao, liên hoan văn nghệ và các buổi dã ngoại cũng thường xuyên được tổ chức.
Tất cả hoạt động được chuẩn bị chu đáo, tạo cơ hội để học sinh tìm hiểu phong tục, tập quán, truyền thống văn hóa của các nước. Học sinh trực tiếp chuẩn bị và thực hành, tham gia các hoạt động, làm tăng thêm niềm vui của các em khi đến trường.
Các hoạt động cũng trau dồi cho các em những phẩm chất tốt đẹp cùng các kỹ năng sống, kỹ năng tổ chức, hoạt động tập thể, cách phối hợp làm việc theo nhóm. Qua đó, học sinh có ý thức với công việc chung, trân trọng sức lao động của người khác và tăng cường tính hợp tác trong sinh hoạt tập thể.
Phương pháp học tiên tiến
Nội dung kiến thức toán học và các môn khoa học có sự tương đồng với chương trình Việt Nam về chuẩn kiến thức và kỹ năng. Tuy nhiên, chương trình toán Nhật Bản học sớm và tổng hợp hơn, được nhắc đi nhắc lại theo vòng tròn xoắn ốc, giúp học sinh dễ nhớ, nhớ lâu sau mỗi bài học.
Điều quan trọng nhất trong dạy toán là rèn luyện tư duy logic, phát triển trí tuệ cho các em chứ không đơn thuần dạy cách tính kết quả nhanh. Các khái niệm toán học được hình thành từ trực quan, thực tế cuộc sống, dẫn dắt đến lý thuyết và ứng dụng thực hành để củng cố kiến thức.
Ở các môn khoa học, học sinh tham gia thí nghiệm để rút ra kết luận và giải thích các hiện tượng trong cuộc sống. Sách giáo khoa Nhật Bản luôn hướng học sinh tự khám phá, nghiên cứu, tìm hiểu cuộc sống xung quanh từ lớp 2, lớp 3.
Chủ trương xuyên suốt trong giáo dục Nhật Bản là đào tạo những công dân có đức, trí, thể, thực và trở thành công dân toàn cầu. Kết hợp với giáo dục đạo đức, các môn học sẽ trang bị tri thức và rèn luyện các em trở thành người có đầy đủ phẩm chất và kỹ năng, tự nhận thức vai trò của bản thân, hành động vì đất nước và vì một thế giới tốt đẹp hơn. Chương trình Cambridge của trường cũng giáo dục nề nếp, tác phong và đạo đức theo tiêu chuẩn Nhật Bản.
Theo Sơn Trà – Zing.vn